11:12, 28/12/2015

Phần lớn phụ nữ hiểu đúng về ung thư vú

Các nghiên cứu cho thấy, kiến thức, thái độ, thực hành về bệnh có mối liên hệ rất lớn đối với phòng ngừa, hiệu quả điều trị bệnh. ...

Các nghiên cứu cho thấy, kiến thức, thái độ, thực hành về bệnh có mối liên hệ rất lớn đối với phòng ngừa, hiệu quả điều trị bệnh. Vì vậy, đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành về bệnh ung thư vú ở phụ nữ 20 - 60 tuổi trên địa bàn tỉnh” được đánh giá có ý nghĩa thiết thực với địa phương cũng như chương trình phòng, chống ung thư quốc gia.

Khảo sát kiến thức, thái độ, thực hành của phụ nữ đối với ung thư vú


Đề tài khảo sát đánh giá mức độ hiểu biết về ung thư vú ở phụ nữ trên địa bàn tỉnh, bước đầu có cái nhìn rõ hơn về các yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư vú, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống ung thư vú cho phụ nữ. Đề tài do bác sĩ Nguyễn Hữu Châu, Giám đốc Trung tâm Nội tiết Khánh Hòa (Sở Y tế) làm chủ nhiệm.

 

Phụ nữ đăng ký tham gia tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang
Phụ nữ đăng ký tham gia tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang


Từ kết quả nghiên cứu ở 1.200 phụ nữ tuổi từ 20 đến 60 của đề tài cho thấy: 67,9% có kiến thức đúng về bệnh ung thư vú; 89,9% có kiến thức đúng các phương pháp chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư vú (khám vú định kỳ, chụp nhũ ảnh, siêu âm vú, tự khám vú); 46% có kiến thức đúng về các yếu tố nguy cơ; 60,5% có kiến thức đúng về các dấu hiệu và triệu chứng ung thư vú.


Về thái độ liên quan đến phòng ngừa, điều trị bệnh ung thư vú, phần lớn đối tượng khảo sát cho biết có tập luyện thể dục hàng ngày khoảng 30 - 60 phút; không ăn thức ăn nhanh; có thái độ đúng về việc thăm khám, tầm soát, chẩn đoán ung thư vú; có thái độ khá lạc quan về khả năng điều trị khỏi ung thư vú nếu phát hiện sớm và gần một nửa số người khảo sát ăn ít nhất 1 chén rau trong mỗi bữa ăn. Về thực hành dự phòng phát hiện sớm ung thư vú, có 49,5% số phụ nữ khảo sát tự khám vú hàng ngày; 37,9% đi bác sĩ khám vú ít nhất 1 lần và 14,3% khám định kỳ hàng năm; 31,3% siêu âm vú ít nhất 1 lần và 6,4% chụp nhũ ảnh ít nhất 1 lần. Qua khảo sát, 93,5% phụ nữ được hỏi sẽ đến cơ sở y tế nhà nước để thăm khám, điều trị khi phát hiện khối u, bất thường ở vú.


Đề tài cũng chỉ ra các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành về bệnh ung thư vú. Theo kết quả nghiên cứu, phụ nữ dưới 40 tuổi có kiến thức đúng cao gấp 1,8 lần và thực hành đúng về bệnh ung thư vú cao gấp 3,9 lần phụ nữ từ 50 tuổi trở lên; phụ nữ tự khám vú có kiến thức đúng cao gấp 2,2 lần và có thái độ tích cực về bệnh cao gấp 2,6 lần so với người không thực thành tự khám vú. Đáng chú ý là, nữ cán bộ, công nhân viên có kiến thức về ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ có nghề nghiệp tự do (hưu trí, sinh viên, kinh doanh, uốn tóc, thợ may...).


Đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng


Hiện nay, ung thư vú là ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam và trên thế giới. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, tại Việt Nam, số người mắc ung thư vú hiện là 23 người/100.000 dân; tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư gan. Những năm gần đây, tỷ lệ ung thư vú ngày càng tăng nhanh. Nhóm thực hiện đề tài cho biết, việc phát hiện sớm các khối u ở vú sẽ giúp tăng cơ hội chữa khỏi bệnh, tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm và chữa khỏi là 98% nếu các khối u được phát hiện sớm, khi các tế bào ung thư còn nằm cục bộ. Ngược lại, trường hợp các khối u được phát hiện trễ, khi các tế bào ung thư đã di căn, cơ hội chữa khỏi của bệnh nhân chỉ còn lại 27%. Ở nước ta, người bệnh thường phát hiện trễ. Nghiên cứu gần đây của Bệnh viện K Trung ương cho thấy, 72% bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3 và 4) trong khi bệnh có thể phát hiện sớm.


Với sự phát triển của y học, hiện nay, có nhiều phương pháp chẩn đoán mới có thể phát hiện, chẩn đoán những tổn thương nghi ngờ ác tính ở những đường kính rất nhỏ. Phương pháp điều trị cũng phát triển với các phương pháp phẫu thuật mới, phương pháp xạ trị và đặc biệt là các loại thuốc mới đã giúp cải thiện kết quả điều trị. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, trong trường hợp phát hiện sớm ung thư vú, phương pháp điều trị mới không chỉ có khả năng chữa khỏi cao mà còn có thể bảo toàn được tuyến vú, giúp phụ nữ tự tin hơn trong thăm khám, điều trị.


Theo kết quả nghiên cứu, về nguồn tiếp cận thông tin bệnh ung thư vú, có 91% phụ nữ từng nghe qua ti vi, 60,35% qua đài và 34,9% qua báo chí. Vì thế, nhóm thực hiện đề tài kiến nghị tăng cường thông tin, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của phụ nữ về các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu, triệu chứng, cách phát hiện ung thư vú sớm. Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở về kỹ năng khám, phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú; triển khai chương trình khám sàng lọc ung thư vú trên toàn tỉnh nhằm tầm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả bệnh ung thư vú.


N.D