Tật khúc xạ học đường thường phát triển nhanh ở trẻ từ 6 đến 12 tuổi. Để đảm bảo sức khỏe về mắt cho con em mình, các bậc phụ huynh cần quan tâm cho trẻ đi khám mắt, để phát hiện sớm bệnh, tránh không làm tăng độ tật khúc xạ, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Tật khúc xạ học đường thường phát triển nhanh ở trẻ từ 6 đến 12 tuổi. Để đảm bảo sức khỏe về mắt cho con em mình, các bậc phụ huynh cần quan tâm cho trẻ đi khám mắt, để phát hiện sớm bệnh, tránh không làm tăng độ tật khúc xạ, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Thực hiện chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ”, vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức khám các bệnh về mắt cho học sinh (HS) Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang).
Học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ được khám mắt |
Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khám sàng lọc cho 400 HS. Kết quả, có 51 HS bị cận thị (tỷ lệ 12,75%); 30 HS bị loạn thị (tỷ lệ 7,5%); 6 em mắc các bệnh khác, chủ yếu là các bệnh như tật khúc xạ, nhược thị... Tuy số lượng HS mắc phải các tật khúc xạ về mắt chưa cao, nhưng đáng lưu ý, trong số 87 HS có các bệnh về mắt, chỉ gần 60 em có đeo kính, số còn lại vẫn chưa biết mắt mình có bệnh.
Bác sĩ Lê Phú - Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, tật khúc xạ học đường của trẻ em thường được phát hiện ở tuổi đang đi học, thường thấy ở cấp tiểu học và THCS, tỷ lệ trẻ có tật khúc xạ chiếm từ 30% đến 40%, phần lớn là HS các vùng thành thị. Một số ít bị bẩm sinh, còn phần lớn do trong quá trình học tập, vui chơi, giải trí thiếu khoa học, phòng học thiếu ánh sáng, đọc và viết không đúng khoảng cách quy định, tương tác với ti vi, điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số nhiều... Những nguyên nhân trên đã làm ảnh hưởng không tốt đến khả năng điều tiết của đôi mắt, làm cho thị lực giảm dần. Các tật khúc xạ thường gặp là cận thị, loạn thị..., trong đó chiếm phần lớn là cận thị. Dấu hiệu nhận biết là khả năng nhìn các vật ở xa kém, đi học thường không thấy rõ chữ trên bảng...
Theo bác sĩ Phú, từ 6 đến 12 tuổi là giai đoạn trẻ rất dễ bị cận thị. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu đi học, đọc nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với máy tính, điện thoại di động... Tuy nhiên, đa số phụ huynh chỉ đưa con đi khám khi trẻ cảm thấy mắt mờ, nhìn không rõ, rất ít trường hợp chủ động cho con em mình đi kiểm tra thị lực. Đối với các trẻ đã đeo kính, người lớn cũng ít quan tâm đến việc kiểm tra thị lực định kỳ cho con em mình, để thay đổi kính mắt phù hợp với độ cận.
Chị Nguyễn Thụy Thúy Vân (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng trẻ bị cận thị khá phổ biến, nên tôi cũng chủ động bổ sung các chất dinh dưỡng như Vitamin A trong các bữa ăn cho con. Cứ nghĩ như vậy là đủ, nhưng đến khi cháu nói với bố mẹ đi học không nhìn rõ chữ trên bảng, gia đình đưa đi khám mới biết là cháu đã bị cận thị”.
Có thể nói, tật khúc xạ học đường do các điều kiện chủ quan, khách quan tác động. Nhưng điều đáng nói là hầu hết HS, phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mức để hạn chế tình trạng này. Đây cũng là lý do khiến các bệnh về mắt ở học đường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến quá trình học tập, vui chơi của các em.
Bác sĩ Phú nhận định, để trẻ có được đôi mắt khỏe, đảm bảo được kết quả học tập tốt nhất, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến sức khỏe về mắt cho con em mình. Cụ thể, ở độ tuổi bắt đầu vào tiểu học, nên cho trẻ kiểm tra thị lực mắt lần đầu; với những trẻ có dấu hiệu nghi ngờ giảm thị lực cần cho đi kiểm tra ngay; khi trẻ đã đeo kính hỗ trợ thị lực, nên cho khám, kiểm tra định kỳ 1 lần/năm. Để tránh những biến chứng tiêu cực có thể xảy ra, các bậc cha, mẹ, thầy, cô giáo khi thấy trẻ xem chữ trên bảng phải nheo mắt, nghiêng đầu, đọc viết chậm, học hành sút kém, trẻ hay kêu nhức mắt, nhức đầu... thì cần cho kiểm tra mắt sớm. Bên cạnh đó, trẻ ở độ tuổi HS thường hiếu động, nên hạn chế các em chơi đùa với các đồ chơi có tính sát thương như súng bi, súng cao su... để tránh các tổn thương nguy hiểm cho mắt.
VĨNH THÀNH