10:03, 31/03/2014

Khơi thông cống rãnh để diệt muỗi

Hiện nay, ở một số xã, phường của TP. Nha Trang như: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hải... xuất hiện rất nhiều muỗi. Nhiều người dựng chuyện có một lượng lớn muỗi của dự án nuôi muỗi ở đảo Trí Nguyên bay sang. Để bạn đọc hiểu rõ và đúng vấn đề, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Tiến sĩ Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, ở một số xã, phường của TP. Nha Trang như: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hải... xuất hiện rất nhiều muỗi. Nhiều người dựng chuyện có một lượng lớn muỗi của dự án nuôi muỗi ở đảo Trí Nguyên bay sang. Để bạn đọc hiểu rõ và đúng vấn đề, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Tiến sĩ Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang xung quanh vấn đề này.


- Ông có thể cho biết người dân nói như vậy đúng hay sai?


- Tôi xin khẳng định điều đó hoàn toàn không đúng. Vì từ tháng 9-2013 đến nay, dự án đã ngừng đặt lăng quăng ở đảo Trí Nguyên. Điều đó đồng nghĩa với việc không còn nuôi thả muỗi nhiễm Wolbachia nữa. Hiện nay, số lượng muỗi nhiễm Wolbachia trên đảo cũng đang bị giảm sút. Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo thuộc loài Aedes acgypti nên chỉ bay và hoạt động trong bán kính 200m, trừ trường hợp di chuyển nhờ phương tiện khác như: ô tô, tàu hỏa, thuyền... mới có thể đi xa, nhưng số lượng rất ít. Ngay lời đồn thổi cũng đã có sự vô lý. Tại sao các phường cận kề đảo Trí Nguyên như: Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường không thấy kêu về hiện tượng muỗi nhiều mà ở các xã, phường xa như: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hải lại có?


- Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng muỗi nhiều ở một số xã, phường? Đây là loại muỗi gì, có gây tác hại cho sức khỏe của người dân không?


- Trong 2 tháng qua, nhiệt độ thường dao động 20 - 250C. Đây là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sản và phát triển. Hơn nữa, hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ vừa phải, có những cơn mưa nhỏ nên góp phần hình thành nhiều ổ nước, thích hợp cho nhiều loài muỗi đẻ trứng, sinh sản, phát triển.


Kết quả giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa xác định đó là muỗi Aedes và muỗi Culex. Aedes là loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết; còn Culex cũng là loại muỗi vằn nhưng không truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong họ muỗi Culex cũng có loại Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui có thể truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Muỗi Culex phát triển quanh năm, nhưng cao điểm vào mùa xuân, mùa hè, thường sống ở những nơi nước bẩn, cống rãnh... Muỗi thường chích hút máu vào ban đêm, ban ngày thì trú đậu ở trong góc nhà, gầm giường, gầm tủ...


- Ông có khuyến cáo gì cho người dân về cách phòng, chống tình trạng muỗi nhiều hiện nay?


- Để phòng, chống muỗi, người dân có thể dùng máy tạo siêu âm xua muỗi, hun khói, quạt, vợt điện, thuốc thoa da (DEET, tinh dầu bạc hà, tinh dầu xả hay tinh dầu khuynh diệp) để xua muỗi; nên ngủ màn và dùng cửa lưới; nuôi cá hoặc lươn nhỏ trong bể nước để tiêu diệt bọ gậy; nuôi chuồn chuồn (các ấu trùng chuồn chuồn trong nước ăn bọ gậy, còn chuồn chuồn trưởng thành bắt muỗi trong không trung). Ngoài ra, người dân nên nạo vét, khơi thông cống rãnh, vũng nước, phát quang bụi rậm, phá bỏ môi trường sinh trưởng của muỗi, sử dụng bồn chứa có nắp đậy kín; có thể dùng nhang muỗi, thuốc xịt trong nhà, thuốc phun ở những khu vực ngoài trời rộng lớn. Nhưng lưu ý, các biện pháp sử dụng hóa chất cần hạn chế vì nó không chỉ gây độc hại cho người mà còn tiêu diệt các sinh vật ăn muỗi...


 - Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)