11:12, 26/12/2013

Góp phần giảm thiểu dị tật bẩm sinh ở trẻ

Qua 8 năm triển khai, Dự án "Chào đón sự sống" do Tổ chức Handicap International phối hợp với Sở Y tế thực hiện đã góp phần giảm thiểu dị tật bẩm sinh ở trẻ trên địa bàn tỉnh.

Qua 8 năm triển khai, Dự án “Chào đón sự sống” do Tổ chức Handicap International phối hợp với Sở Y tế thực hiện đã góp phần giảm thiểu dị tật bẩm sinh ở trẻ trên địa bàn tỉnh.


Nhiều hoạt động chăm sóc trẻ sơ sinh  


Chiều một ngày đầu tháng 11-2013, tại Phòng khám ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non) đặt tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có nhiều sản phụ ẵm con chờ đến lượt khám. Những thông tin về ROP được dán phía bên ngoài phòng khám để người nhà và các sản phụ nắm. 14 giờ, các bác sĩ (BS) tiến hành khám cho 11 trẻ, hầu hết là trẻ bị sinh non hoặc trẻ có số cân từ 2,5kg trở xuống. Khi phát hiện 2 trẻ có nguy cơ bị ROP, BS đã tư vấn, hướng dẫn cho 2 bà mẹ cách chăm sóc và theo dõi trẻ. Chị Nguyễn Thị H. (đường Hoàng Diệu, TP. Nha Trang) - mẹ của trẻ có nguy cơ bị ROP cho biết: “Tôi sinh cháu bị thiếu tháng, cháu cân nặng khoảng 2,5kg. Sau sinh, BS cho biết, con tôi có nguy cơ bị mắc ROP và hướng dẫn tới đây khám. Qua khám, BS đã hướng dẫn cho tôi cách theo dõi, chăm sóc cháu và lịch tái khám. Tôi hy vọng các BS có hướng điều trị sớm để cháu không bị mù”. BS Nguyễn Thị Khánh Uyên - Khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, chương trình tầm soát ROP do Dự án “Chào đón sự sống” tài trợ. Việc triển khai chương trình này giúp nhân viên y tế phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp. Qua đó, ngăn ngừa và hạn chế được tình trạng mù mắt ở trẻ sinh non trên địa bàn tỉnh.  


Tại Khoa Sản BVĐK Cam Lâm, BVĐK Ninh Hòa và một số trạm y tế ở 2 địa phương này, tất cả trẻ sinh ra trong vòng 72 giờ đều được khám toàn diện nhằm phát hiện dị tật bẩm sinh. Đối với những trẻ bị dị tật được phát hiện, các cơ sở y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn sản phụ đưa trẻ đến BVĐK tỉnh điều trị. Qua 1 năm triển khai, chương trình đã khám toàn diện cho khoảng 2.200 trẻ, phát hiện 9 trẻ bị chân khoèo và 1 trẻ bị sứt môi...

1

Bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tầm soát ROP cho trẻ sinh non.


Góp phần nâng cao chất lượng dân số


Được Ủy ban Hợp tác phát triển Bỉ tài trợ, năm 2006, Dự án “Chào đón sự sống” triển khai tại Khánh Hòa với mục tiêu chung là cải thiện sức khỏe trẻ em. Cụ thể là: phòng ngừa tử vong và khuyết tật trước, trong và sau sinh; phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khuyết tật bẩm sinh; hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Qua 8 năm triển khai, Dự án đã đào tạo hơn 2.500 lượt nhân viên y tế về cách chăm sóc tiền thai, cách thức khám toàn diện trẻ sơ sinh trước khi xuất viện nhằm phát hiện sớm khuyết tật qua khám lâm sàng và siêu âm, tầm soát bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh, chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, chăm sóc sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Đồng thời, đào tạo cho hơn 750 lượt người khuyết tật, nhân viên xã hội về truyền thông thay đổi hành vi phòng ngừa và chăm sóc khuyết tật bẩm sinh, mô hình sống độc lập, kỹ năng quản lý hội, nhóm cho thành viên câu lạc bộ người khuyết tật. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ ngành Y tế trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua tờ rơi, áp phích, pano, truyền thông trực tiếp tại cơ sở y tế, cộng đồng; cung cấp một số trang thiết bị y tế như: giường sưởi sơ sinh, máy thở CPAP, máy đo nồng độ oxy máu, máy truyền dịch, bộ cấp cứu sơ sinh... cho các cơ sở được chọn. Dự án còn thực hiện khám sức khỏe cho 3.702 cặp vợ chồng, bổ sung a-xít folic cho 1.598 phụ nữ, tiêm phòng Rubella cho 1.892 phụ nữ; khám bệnh lý võng mạc cho gần 400 trẻ sinh non, phát hiện và chuyển 24 trẻ vào TP. Hồ Chí Minh điều trị...


Ông Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Dự án đã hỗ trợ cho ngành Y tế tỉnh rất nhiều trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe tiền thai, khám sàng lọc sơ sinh, tầm soát bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non, tim bẩm sinh... Qua đó, tạo điều kiện cho các tuyến y tế, nhất là tuyến xã phát triển kỹ thuật tầm soát bệnh cho trẻ sơ sinh. Dự án cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai.


BÁ NGHĨA