09:06, 13/06/2013

Chủ yếu từ ý thức của người dân

Diệt bọ gậy tại nhà là cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết mang lại hiệu quả cao, lại không tốn nhiều công sức, kinh phí. Thế nhưng hiện nay, nhiều người dân vẫn chủ quan và thờ ơ với công tác này.

Diệt bọ gậy tại nhà là cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) mang lại hiệu quả cao, lại không tốn nhiều công sức, kinh phí. Thế nhưng hiện nay, nhiều người dân vẫn chủ quan và thờ ơ với công tác này.


Chưa chủ động diệt bọ gậy

1
 


Có mặt trong buổi ra quân diệt bọ gậy tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, trong số 30 hộ dân mà tổ diệt bọ gậy tiến hành kiểm tra ở một con hẻm thuộc đường Dương Hiến Quyền thì đã gần chục hộ có các dụng cụ chứa nước, trong đó có 5 hộ phát hiện có bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước. Tại hộ bà Nguyễn Thị Ái Hòa, trong 5 cái lu, thạp và bể xi măng chứa nước, dụng cụ nào cũng đầy bọ gậy. Khi súc đổ thạp có chứa ít nước mưa để ở ngoài trời, các thành viên tổ diệt bọ gậy phát hiện bên trong có hàng trăm con bọ gậy đã nở thành ấu trùng. Bà Hòa phân bua: “Do không có tiền bắc nước máy nên gia đình tôi phải đi xin nước về chứa vào thùng để dùng. Tổ dân phố đã nhiều lần đến tuyên truyền, nhưng tôi tiếc công xin nước, với lại cứ nghĩ nước sạch để lâu không sao”... Trong khi đó, nhà có sử dụng nước máy, không có thạp đựng nước, nhưng khi kiểm tra 4 bình hoa để trên bàn thờ của hộ bà Trần Ngọc Ánh thì cả 4 bình đều có bọ gậy. Tổ diệt bọ gậy đã tiến hành súc rửa các bình hoa và hướng dẫn cho gia đình cách diệt bọ gậy. Cũng tại hộ này, tổ diệt bọ gậy còn phát hiện trong một bình đựng nước có rất nhiều bọ gậy đã nở thành ấu trùng. Tương tự, tại hộ ông Nguyễn Đăng Khoa, tổ diệt bọ gậy phát hiện trong thùng phuy nhựa và 2 bình hoa có nhiều lăng quăng... Nhiều hộ ở đây cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần đến tuyên truyền, nhưng do bận đi làm nên họ không có thời gian súc rửa. Nhiều người còn cho rằng, không nghĩ nước để ở các bình hoa, thạp đựng nước mới chỉ nửa tháng đã sinh ra muỗi.


Ngay tại buổi lễ phát động phòng, chống dịch SXH diễn ra tại Ninh Hòa mới đây, ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, ngoài yếu tố khách quan về thời tiết, đặc điểm dịch tễ thì tâm lý chủ quan của người dân cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH cứ dai dẳng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy được chính quyền và ngành Y tế thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng khi kiểm tra lại thì có đến hơn 70% dụng cụ chứa nước có bọ gậy hoặc đã nở thành lăng quăng.  


Dịch bệnh diễn biến phức tạp


Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.650 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc bệnh tăng gấp 4,3 lần. Tính theo tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân, Khánh Hòa là địa phương cao nhất khu vực miền Trung và đứng thứ 4 trong cả nước. Địa phương có số ca mắc nhiều nhất vẫn là TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, kế đến là Diên Khánh, Cam Lâm và Vạn Ninh.

Giám sát và xử lý bọ gậy tại nhà dân ở đường Dương Hiến Quyền, TP. Nha Trang.
Giám sát và xử lý bọ gậy tại nhà dân ở đường Dương Hiến Quyền, TP. Nha Trang.


Được biết, từ đầu năm, ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH như: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; xây dựng, triển khai sớm kế hoạch phòng, chống SXH của tỉnh và cấp huyện; thực hiện nghiêm các hướng dẫn, chỉ đạo chống dịch của cơ quan chức năng; tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng chủ động phòng, chống SXH trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đưa xe tuyên truyền ở tuyến huyện, xã; cung cấp tờ rơi hướng dẫn hộ gia đình diệt bọ gậy... Ngoài ra, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh còn phối hợp với TTYT các huyện, thị xã, thành phố tiến hành giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng; thực hiện nhiều đợt xử lý bọ gậy, lăng quăng tại nhà dân; phun hóa chất trong phạm vi ổ dịch, toàn thôn, toàn xã; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất chủ động ở 10 xã, phường có nguy cơ cao. Qua đó, toàn tỉnh đã phát hiện và tiến hành xử lý 236 ổ dịch SXH. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Y tế, dịch SXH trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc giảm không bền vững. Từ tháng 1 đến tháng 3, dịch có xu hướng giảm nhưng vẫn vượt ngưỡng chuẩn và có xu hướng tăng trở lại từ tháng 4. Qua giám sát tại những địa phương có số ca mắc tăng cao, các chỉ số côn trùng cũng cao.


Theo ông Lâm Quang Chứng, nguyên nhân của tình trạng này ngoài những yếu tố khách quan như: thời tiết, đặc điểm dịch tễ, tâm lý chủ quan của người dân..., kết quả xử lý ổ dịch ở một số địa phương vẫn chưa thật tốt, chỉ số côn trùng sau xử lý còn cao; việc huy động cộng đồng và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa đạt hiệu quả; công tác kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống SXH ở nhiều xã, phường chưa được quan tâm đúng mức, còn giao khoán cho ngành Y tế. Ngoài ra, việc phân công các thành viên tham gia diệt bọ gậy vẫn còn chung chung, chưa sát thực tế; nhiều đội diệt bọ gậy thực hiện không đúng kế hoạch hoặc bỏ sót hộ... dẫn đến công tác này chưa đạt hiệu quả cao.


THẢO LY