11:10, 23/10/2012

Còn nhiều khó khăn

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh 9 tháng đầu năm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Khánh Hòa được ghi nhận là tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng cao nhất nhì khu vực miền Trung.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống (PC) dịch bệnh 9 tháng đầu năm do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Khánh Hòa được ghi nhận là tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) cao nhất nhì khu vực miền Trung. 

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Những ngày này, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, số lượng bệnh nhân mắc SXH và TCM nhập viện điều trị khá nhiều. Đơn cử, ngày 18-10, Khoa Nhiễm điều trị 72 ca bệnh, trong đó có 33 ca mắc TCM, 16 ca SXH; ngày 19-10, có 82 ca, trong đó 36 ca TCM và 20 ca SXH; ngày 22-10, Khoa điều trị 99 ca TCM và 23 ca SXH. Tương tự, tại Khoa Nhiễm BVĐK Ninh Hòa, trung bình mỗi ngày điều trị khoảng 80 - 100 bệnh nhân, trong đó một nửa là bệnh nhân mắc SXH và TCM.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra trại nuôi gà ở xã Vạn Lương (Vạn Ninh).
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra trại nuôi gà ở xã Vạn Lương (Vạn Ninh).

Bác sĩ Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.100 ca mắc bệnh TCM tại 130/137 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố. Đã phát hiện 149 ổ dịch TCM tại cộng đồng và 19 ổ dịch tại nhà trẻ, mẫu giáo. Nha Trang là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 690 ca, tiếp đến là Ninh Hòa gần 600 ca. Về dịch SXH, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.700 ca mắc; bệnh xuất hiện ở 112/137 xã, phường ở cả 8 huyện, thị, thành phố. Ninh Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 990 ca, Nha Trang gần 600 ca. So với năm 2011, số ca mắc SXH năm 2012 cao hơn và vượt năm 2011. Đỉnh điểm vào tháng 7, số ca mắc tăng gần gấp 13 lần so với năm 2011. Về dịch bệnh gia cầm và cúm A (H5N1), đã phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm ở các xã, phường: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Phước Hải, Vĩnh Phước (Nha Trang) và Ninh An (Ninh Hòa). Tính đến ngày 17-10, tổng số gia cầm tiêu hủy ở các ổ dịch là hơn 2.200 con. Riêng bệnh cúm A (H5N1) chỉ xuất hiện trên gia cầm, chưa phát hiện người mắc bệnh.

Nhiều biện pháp phòng, chống dịch

Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Diêm (Ninh Hòa).

Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Thực hiện công tác PC dịch, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ về tăng cường công tác PC dịch TCM, bệnh truyền nhiễm ở người, cúm A (H5N1), SXH...; chủ động xây dựng kế hoạch PC dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2012. UBND tỉnh đã bố trí hơn 2,8 tỷ đồng để PC dịch bệnh ở người và ở gia súc, gia cầm. Song song đó, công tác tuyên truyền về các biện pháp PC dịch bệnh TCM, SXH, cúm A (H5N1) được đẩy mạnh, sâu rộng đến người dân bằng nhiều hình thức như: phát tin vào các giờ vàng trên truyền hình, phát thường xuyên trên loa phát thanh địa phương; truyền thông trực tiếp qua các buổi sinh hoạt đoàn thể ở khu phố, thôn, bản; phát tờ rơi, áp phích tại các vùng trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu tập trung dân cư. Tổ chức lễ phát động các chiến dịch với sự tham gia của các cấp, ngành và người dân như: Chiến dịch quốc gia PC bệnh TCM; rửa tay bằng xà phòng; diệt lăng quăng, bọ gậy; thu gom rác và gia súc, gia cầm chết... Đi đôi với các hoạt động trên, ngành Y tế và Nông nghiệp  - Phát triển nông thôn duy trì thường xuyên công tác điều tra, phát hiện, xử lý ngay từng ca bệnh, các ổ dịch và triển khai các biện pháp dập dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng. Công tác chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và kiểm tra, giám sát được tích cực triển khai. Ngoài ra, UBND tỉnh còn thành lập các đội cơ động PC dịch theo ngành, lĩnh vực để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; xây dựng các chốt kiểm soát gia súc, gia cầm; tổ chức trực PC dịch bệnh 24/24 giờ...

Tuy công tác PC dịch bệnh được triển khai tích cực nhưng do đây là thời điểm bước vào mùa mưa bão nên công tác giám sát, khoanh vùng xử lý dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bệnh TCM, SXH hiện vẫn chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị đặc hiệu. Công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục tại cộng đồng nhưng người dân vẫn còn chủ quan, chưa tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng bệnh tại nhà. Khi nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người dân thường mua thuốc tự điều trị tại nhà, không đến cơ sở y tế để khám và phát hiện bệnh kịp thời. Ngoài ra, chính quyền ở một số xã, phường vẫn chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác PC dịch bệnh. Sự phối hợp thiếu tích cực giữa các ban, ngành đoàn thể ở một số nơi cũng làm ảnh hưởng đến công tác này... Chính vì thế, một số dịch bệnh như TCM, SXH, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn diễn biến phức tạp và chưa khống chế được.

Chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến ở đầu cầu Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành ở địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác PC dịch bệnh. Theo đó, kiện toàn Ban chỉ đạo PC dịch bệnh các cấp; ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, thực hiện dập dịch kịp thời, không để dịch lan rộng, bùng phát; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền PC dịch bệnh đến từng người dân; thành lập các đội cơ động PC dịch, các chốt kiểm tra gia súc, gia cầm; đẩy mạnh tập huấn, kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Ngoài ra, Ban chỉ đạo các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch PC dịch bệnh 3 tháng cuối năm, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, hóa chất... sẵn sàng chống dịch trong mọi tình huống.

THẢO LY