Trong đợt luân phiên ra dạy học cho các học sinh (HS) lớp phổ cập giáo dục THCS ở đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) mới đây, thầy cô Trường THCS Võ Văn Ký (Nha Trang) không chỉ truyền dạy kiến thức trong chương trình sách giáo khoa, mà còn mang đến những điều bổ ích cho HS thông qua hoạt động trải nghiệm làm san hô từ chất thải rắn.
Trong đợt luân phiên ra dạy học cho các học sinh (HS) lớp phổ cập giáo dục THCS ở đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) mới đây, thầy cô Trường THCS Võ Văn Ký (Nha Trang) không chỉ truyền dạy kiến thức trong chương trình sách giáo khoa, mà còn mang đến những điều bổ ích cho HS thông qua hoạt động trải nghiệm làm san hô từ chất thải rắn.
Nếu ở đất liền, sau giờ học chính khóa, HS có nhiều lựa chọn cho các hoạt động ngoài giờ thì các em ở đảo gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Vì vậy, để các buổi học hoạt động ngoài giờ lên lớp trở nên thú vị, Trường THCS Võ Văn Ký tổ chức chương trình trải nghiệm khám phá khoa học “Chế tạo mô hình san hô từ chất thải rắn” vào tiết học cuối cùng. Từ mô hình san hô này, HS hiểu thêm về môi trường sống của san hô, đồng thời tiếp cận các giải pháp để bảo vệ sự đa dạng sinh học cho hệ sinh thái san hô tại địa phương và công tác bảo tồn biển nói chung.
Cô Võ Thị Thu Thủy - giáo viên môn Địa lý trực tiếp dẫn dắt các HS phổ cập lớp 6, 7 những kiến thức về san hô trong đại dương. Cô còn gợi mở cho HS cách bảo vệ môi trường biển và san hô, như: Tuyệt đối không được dùng mìn khai thác hải sản, xả rác bừa bãi, tận diệt các loài sinh vật trong khu bảo tồn… “Bây giờ em mới biết tác hại rất lớn nếu san hô bị hủy diệt. Khi về nhà, em sẽ nói với ba mẹ để ba mẹ biết nhiều hơn về lợi ích của rạn san hô; không đánh bắt cá những nơi có san hô; đồng thời cùng bảo vệ san hô để đại dương luôn xanh”, em Đặng Ngọc Thuyết nói.
Chương trình tiếp diễn với hoạt động trải nghiệm thực tế dùng chất thải rắn để tạo mô hình san hô. Được sự hướng dẫn của các giáo viên, khi uốn nắn thân thép để tạo khối hình, các em nhớ thêm kiến thức vì sao khi san hô chết thì hóa thạch màu trắng mà không phải tan vào biển; khi tô sơn màu đỏ lên khối hình, các em cũng được cung cấp thêm kiến thức vì sao loài san hô đỏ sống dưới nước lại có giá trị cao trong quần thể sinh vật, hay giúp cho chúng thích nghi trong môi trường biển an toàn. Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Mỗi tuần, chúng em đều học được những kiến thức rất mới và bổ ích. Em mong sẽ được tiếp tục học nhiều kiến thức khoa học thực tiễn để ứng dụng vào việc bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống”.
Tổng kết chương trình trải nghiệm, cô Lê Thị Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký đã trao giải cho các HS làm mô hình san hô đẹp và phát quà của nhà trường cho các HS lớp phổ cập. Cô mong HS chăm ngoan, đến lớp đều đặn cuối tuần, làm bài tập được giao, cố gắng khắc phục những khó khăn trong gia đình để theo đuổi con chữ có hiệu quả. “Từ đất liền, các thầy cô luôn dành tình yêu cho HS ở đảo, nơi còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện có thể, thầy cô sẽ tổ chức cho các em học tập, trải nghiệm khoa học để ứng dụng vào thực tế hàng ngày hiệu quả’’, cô Trang nhấn mạnh.
Ông TRẦN NGUYÊN LẬP - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang: “Hiện nay, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Đối với lớp phổ cập THCS ở đảo Bích Đầm, HS học tập theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Kết quả học kỳ I năm học 2022-2023, có 11 HS xếp loại tốt, 9 HS xếp loại khá. Do đặc thù lớp phổ cập trên đảo nên HS ở đây thiếu thốn khá nhiều, chưa được học môn Tiếng Anh và các bộ môn ngoại khóa. Do đó, chúng tôi rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan để nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập THCS và kỹ năng sống cho các em ở đảo”. |
Hương Trà