Thời gian qua, trong quá trình cải tạo đất để sản xuất, một số hộ dân ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) đã san lấp đất chồng lấn lên khu vực nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan mũi Dù - núi Cấm. Chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu các hộ dân chấm dứt hành vi nêu trên, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cắm mốc để xác định ranh giới bảo vệ khu vực này.
Thời gian qua, trong quá trình cải tạo đất để sản xuất, một số hộ dân ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) đã san lấp đất chồng lấn lên khu vực nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan mũi Dù - núi Cấm. Chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu các hộ dân chấm dứt hành vi nêu trên, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cắm mốc để xác định ranh giới bảo vệ khu vực này.
San lấp chồng lấn khu vực nghiên cứu, bảo tồn
Sáng 30-1, phóng viên cùng công chức Địa chính phường Ninh Hải trực tiếp tới các thửa đất người dân cải tạo, san lấp chồng lấn khu vực nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan mũi Dù - núi Cấm. Theo ghi nhận của phóng viên, những thửa đất này ở vị trí trên các dốc cao, khuất sâu sau đỉnh núi Cấm. So với hiện trạng đất ở các khu vực xung quanh núi Cấm, những thửa đất đã cải tạo thay đổi nhiều về địa hình. Người dân đã phát quang thảm thực vật, san ủi tầng phủ trên đất và đào hố để trồng xoài; đồng thời làm đường ống thoát nước từ trên đỉnh núi Cấm xuống biển để phục vụ quá trình canh tác, sản xuất.
Ông Trần Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, khu vực mũi Dù - núi Cấm có phần lớn diện tích thuộc khu vực nghiên cứu của Viện Hải dương học. Ngày 3-1, các đơn vị, gồm: Ban Chỉ huy Quân sự, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị thị xã cùng UBND phường Ninh Hải đã thành lập đoàn kiểm tra khu vực này và phát hiện có 2 trường hợp san lấp chồng lấn lên khu vực nghiên cứu mũi Dù - núi Cấm. Cụ thể, tại khu vực trung tâm núi Cấm, ông N.T.N (trú Tổ dân phố 1 Đông Hải, phường Ninh Hải) thực hiện san lấp, cải tạo diện tích khoảng 7.000m2, trong đó có khoảng 200m2 chồng lấn khu vực nghiên cứu. Tại hiện trường san lấp, ông N. đã tạo đường đi rộng 2,5m, chiều dài 300m từ tây sang đông núi Cấm, đặt ống thoát nước dài 3m, làm đường đi giữa khe núi. Khu vực thứ hai ở phía đông nam núi Cấm, ông N.V.N (Tổ dân phố 1 Đông Hải) thực hiện cải tạo, san lấp diện tích khoảng 600m2, có khoảng 150m2 chồng lấn khu vực nghiên cứu. Thời gian san lấp, cải tạo của 2 trường hợp này diễn ra khoảng tháng 6 đến tháng 8-2022.
Ngày 6-1, chính quyền địa phương đã mời 2 hộ dân nói trên lên làm việc. Cả 2 hộ dân đều giải thích rằng, hiện nay, gần khu vực nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan mũi Dù - núi Cấm, có một phần diện tích đất canh tác lâu đời của người dân. Do khu vực nghiên cứu chưa được khoanh vùng, cắm mốc ranh giới nên trong quá trình cải tạo đất để sản xuất, người dân đã vô tình cải tạo chồng lấn lên khu vực nghiên cứu. 2 hộ dân đều đã ký cam kết chấm dứt việc san lấp, tháo dỡ các hàng rào ranh giới phần đất chồng lấn khu vực nghiên cứu. UBND phường Ninh Hải đang yêu cầu 2 hộ dân cung cấp các giấy tờ liên quan đến các thửa đất đã thực hiện cải tạo, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị cắm mốc, khoanh vùng
Đoàn kiểm tra của thị xã Ninh Hòa nhận định, việc san lấp trên khu vực mũi Dù - núi Cấm có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng địa hình, ảnh hưởng đến khu vực đất thuộc quy hoạch cho nhiệm vụ quốc phòng. Theo đó, khu vực núi Cấm có 20ha đất ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng. Do đó, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Ninh Hòa đã có văn bản đề nghị UBND thị xã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND phường Ninh Hải phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thị xã có phương án quản lý, chấm dứt hiện tượng san lấp, cải tạo khu vực núi Cấm để đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, địa phương đã có văn bản kiến nghị Viện Hải dương học cùng các đơn vị liên quan cắm mốc để xác định ranh giới bảo vệ khu vực nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan mũi Dù - núi Cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã Ninh Hòa cùng các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý và bảo vệ.
Theo kết quả khảo sát của Viện Hải dương học, khu vực mũi Dù - núi Cấm có cảnh quan thiên nhiên đẹp, các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng nhô ra sát biển. Tại khu vực này đã thu thập được các mẫu hóa thạch thuộc thời kỳ địa chất Lias cách đây khoảng 100 triệu năm. Tháng 11-2020, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh để thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể các điều kiện tự nhiên, địa mạo, địa chất, đa dạng sinh học... tại khu vực mũi Dù - núi Cấm. |
THÁI THỊNH