Thời gian qua, việc quy hoạch và đầu tư mạng lưới, thiết bị quan trắc cơ bản đáp ứng công tác quan trắc môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, môi trường có nhiều thay đổi, công tác này cần được đầu tư theo hướng chuyên sâu.
Thời gian qua, việc quy hoạch và đầu tư mạng lưới, thiết bị quan trắc cơ bản đáp ứng công tác quan trắc môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, môi trường có nhiều thay đổi, công tác này cần được đầu tư theo hướng chuyên sâu.
Cơ bản đáp ứng yêu cầu
Theo lãnh đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở TN-MT, quy hoạch mạng lưới quan trắc TN-MT của tỉnh có 80 vị trí. Trong đó, không khí và tiếng ồn có 17 vị trí, nước mặt 19 vị trí, nước ngầm 13 vị trí, nước biển 18 vị trí, đa dạng sinh học (cỏ biển, san hô, rừng ngập mặn) 13 vị trí. Năm 2011, trung tâm đã được tỉnh đầu tư cơ bản trang, thiết bị phục vụ lấy mẫu tại hiện trường và phòng thí nghiệm với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng nhận được gói đầu tư thiết bị từ dự án CRSD (nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao năng lực quan trắc.
Phòng thí nghiệm của trung tâm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của ISO/IEC 17025: 2017, mã số VILAS 742. Hàng năm, trung tâm triển khai tái đánh giá hoặc đánh giá chuyển đổi phiên bản ISO mới theo quy định. Trung tâm cũng được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định của Nghị định 127 (ngày 31-12-2014) số hiệu VIMCERTS 035.
Bà Đồng Thị Quyên - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quan trắc TN-MT cho biết, nhìn chung, tình hình phân bố vị trí, số lượng, tần suất và thông số, khu vực quan trắc của mạng lưới quan trắc TN-MT phù hợp, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (trừ quan trắc trầm tích chưa triển khai). Trong đó, môi trường không khí gồm 1 trạm nền, 16 trạm tác động; nước biển ven bờ gồm 3 trạm nền, 15 trạm chịu tác động. Đồng thời, nhân lực và trang thiết bị được đầu tư cơ bản đáp ứng tương đối đầy đủ cho chương trình quan trắc hiện tại.
Tuy nhiên, theo bà Quyên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật mới về công tác quan trắc môi trường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần đầu tư nâng cao năng lực quan trắc theo hướng hiện đại và đồng bộ cả về nhân lực lẫn trang thiết bị, tiến tới đầu tư một số trạm quan trắc tự động không khí, nước mặt và nước biển ven bờ thay cho các trạm thủ công tại một số vị trí nhạy cảm cần có số liệu nền để theo dõi liên tục diễn biến môi trường (hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 2 trạm quan trắc không khí tự động tại Nha Trang và 1 trạm sắp đưa vào vận hành tại Ninh Hòa).
Nâng cao theo hướng chuyên sâu
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở TN-MT, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, mạng lưới quan trắc hiện tại cũng không còn phù hợp. Cụ thể, TP. Nha Trang với tốc độ phát triển mạnh các đô thị phía tây; việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoại thành; mật độ dân cư đông; số lượng phương tiện giao thông tăng... Tuy nhiên, Nha Trang chỉ có 4 trạm quan trắc gồm 2 trạm tự động tại khu vực Làng trẻ em SOS Nha Trang, 14 Hoàng Hoa Thám và 2 trạm thủ công tại khu vực Bình Tân (đánh giá tác động công nghiệp), Cụm Công nghiệp Đắc Lộc (đánh giá tác động công nghiệp), còn hàng loạt khu vực khác là các cửa ngõ vào thành phố cần quan trắc nhưng thiếu đầu tư. Đối với các trạm khác tình hình cũng tương tự.
Do thời gian sử dụng đã lâu nên một số thiết bị được đầu tư đã hết niên hạn và hư hỏng không thể sửa chữa, đặc biệt là thiết bị sử dụng thường xuyên trong môi trường nước biển. Ngoài ra, kỹ thuật lấy và phân tích mẫu hiện nay có nhiều quy định mới yêu cầu phải có các thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng đúng quy trình.
Lãnh đạo Sở TN-MT kiến nghị tỉnh cần đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường, hiện đại hóa hoạt động quan trắc môi trường để cung cấp các kết quả quan trắc, đánh giá toàn diện và kịp thời diễn biến các thành phần môi trường quan trọng, quy mô toàn tỉnh phục vụ công tác quản lý môi trường phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quan trắc môi trường địa phương theo mạng lưới quan trắc đã được phê duyệt. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần rà soát và điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030, đầu tư chủ lực nâng cao năng lực quan trắc môi trường theo hướng chuyên sâu và hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
V.L