Cách đây vài ngày, hàng loạt cá chết nổi lên tại khu vực cầu Dứa (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đây là hiện tượng báo hiệu nguồn nước ở khu vực này đã bị ô nhiễm.
Cách đây vài ngày, hàng loạt cá chết nổi lên tại khu vực cầu Dứa (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đây là hiện tượng báo hiệu nguồn nước ở khu vực này đã bị ô nhiễm.
Vớt được hàng chục ký cá
Ông Võ Hoàng Danh - bảo vệ Công ty TNHH Nhà Yến Nha Trang cho biết: “Hiện tượng cá chết bắt đầu từ chiều 13-2, lúc đầu lác đác một vài con, sang ngày hôm sau cá chết nhiều, trắng cả một đoạn sông. Không chỉ cá rô phi mà cá lau kính, một loài cá sống đáy, có sức đề kháng mạnh cũng bị chết. Thấy cá chết nhiều quá, vài ngày sau phân hủy hôi thối nên chủ nhà hàng bảo chúng tôi vớt, đem chôn. Tổng số cá chết vớt 2 - 3 đợt lên tới 60 - 70kg”. Tình hình cá chết cũng được ông Huỳnh Việt Sang - bảo vệ Nhà hàng Hoàng Lan xác nhận. Theo ông Sang, nguyên nhân cá chết có thể do nước bị nhiễm mặn do thủy triều dâng vào các ngày 14, 15 tháng Giêng (âm lịch).
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân cá chết cũng không loại trừ ngộ độc từ nước thải. Tuy nhiên, lãnh đạo các xã trong khu vực đều cho rằng địa phương quản lý rất tốt, thường xuyên kiểm tra, không tìm thấy nguồn thải nên không có chuyện gây ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Chí Danh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang, ngay sau khi có thông tin cá chết, phòng đã cử cán bộ đến hiện trường xem xét, tuy nhiên lúc này cá chết không nhiều, chỉ lác đác vài con. Phòng đã lập biên bản ghi nhận sự việc; đồng thời lấy mẫu nước kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường xét nghiệm tìm nguyên nhân vì đơn vị không đủ điều kiện kiểm tra. Nguyên nhân ban đầu có thể do hạn hán, mực nước cạn kiệt, phát sinh tảo, đồng thời không có nguồn nước mới cung cấp dẫn tới thiếu ôxy, cá nổi đầu và chết; thứ hai, có thể do một số trường hợp từ cá phóng sinh, cá yếu gặp điều kiện bất lợi nên chết. Ngoài ra, không loại trừ nguồn nước bị nhiễm mặn khiến cá chết.
Đề xuất khơi thông dòng chảy
Theo lãnh đạo các địa phương và ngành Nông nghiệp, ô nhiễm khu vực cầu Dứa rất khó truy cứu trách nhiệm bởi liên quan đến các hoạt động xả thải của nhiều đối tượng, nhiều khu vực. Giải pháp hữu hiệu hiện nay là tăng cường nguồn nước ngọt thau rửa, hạn chế ô nhiễm.
Ông Dương Tiến Vũ - Trưởng Văn phòng đại diện Nha Trang (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa) cho biết, từ sau khi thi công kênh thoát lũ sông Tắc - Quán Trường, nguồn nước về khu vực cầu Dứa ngày càng hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm. Đơn vị nhận thấy cống lấy nước tại khu vực sông Quán Trường chảy về cầu Dứa có khẩu độ nhỏ, lại nằm ở cao trình cao nên khó lấy nước, đề nghị mở rộng khẩu độ và cao trình cống.
Tuy nhiên, theo ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chủ đầu tư công trình thoát lũ sông Tắc - Quán Trường, cống lấy nước tại điểm tiếp xúc với sông Quán Trường không nhỏ, mở 24/24 giờ, cao trình đáy cống là - (âm) 0,67m (có nghĩa là đáy cống nằm dưới đáy sông). Nguyên nhân nước về cầu Dứa ít do hạn hán ngày càng khắc nghiệt, nước sông ít, không đủ dẫn về cầu Dứa, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, cơi nới nhà cửa khiến cây cối, cỏ dại phủ um tùm làm tắc dòng chảy. Đơn vị đề nghị tỉnh xem xét cho phép nạo vét, khơi thông dòng chảy đưa nước ngọt về cầu Dứa để giải quyết nguyên nhân ô nhiễm.
V.L