Thời gian gần đây, đất sản xuất mía, trồng cây lâu năm ở các thôn, buôn trên địa bàn xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được nhiều người săn tìm, mua lại để làm trang trại. Do giá đất tăng cao, người dân ở đây đã sang nhượng ồ ạt, điều này cảnh báo nhiều hệ lụy…
Thời gian gần đây, đất sản xuất mía, trồng cây lâu năm ở các thôn, buôn trên địa bàn xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được nhiều người săn tìm, mua lại để làm trang trại. Do giá đất tăng cao, người dân ở đây đã sang nhượng ồ ạt, điều này cảnh báo nhiều hệ lụy…
Sốt đất
Chúng tôi tìm đến thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây nơi mà thông tin đất đai đang tăng “phi mã”. Lân la vào một quán tạp hóa trên trục đường chính của thôn (nằm đối diện Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây) dò hỏi, bà chủ quán cho hay, khoảng gần 2 năm trở lại đây, đất ở xã bỗng được giới đầu tư các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… lùng sục mua. Điều này khiến giá đất tăng chóng mặt. Từ vị trí nhà bà cho đến khu chợ (khoảng cách chừng hơn 50m) được cho là có giá nhất. Hiện nay, 1 lô đất ở đây có bề ngang từ 5 - 10m, bán theo mét tới (tức chỉ tính chiều ngang, không tính chiều dọc - PV) có giá từ vài trăm triệu đến hơn tỷ đồng.
Để minh chứng, bà chủ quán chỉ cho chúng tôi 2 lô đất gần sát nhà bà vừa được bán với giá hơn 1 tỷ đồng, hiện đang được chủ đất xây cất. “Lúc trước, đất ở đây chỉ vài triệu đồng một mét tới chẳng ai mua. Bây giờ thì vài trăm triệu đồng nhưng không còn đất để bán”. Qua câu chuyện, nghe chúng tôi có ý định muốn tìm mua khu đất làm trang trại, một phụ nữ địa phương giới thiệu tên Trang nhanh nhảu: “Anh muốn mua đất loại nào? Đất bằng, triền hay đồi, bao nhiêu héc-ta? Em có bà chị quen cần bán vài héc-ta đất đồi, đang trồng cây ăn quả khoảng 700 triệu đồng nhưng chưa có sổ”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngập ngừng, Trang liến thoắng: “Nếu muốn mua em dẫn anh đi coi đất, mua đi chứ mai mốt không còn đâu mà giá lại cao hơn”.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, men theo tỉnh lộ nối liền 2 xã Ninh Tân, Ninh Tây, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng mía, rừng keo bạt ngàn trông rất yên bình. Tuy vậy, hoạt động mua, bán, thu gom đất ở đây lại hết sức sôi động. Theo tìm hiểu, hiện có một nhà sư đến từ Vũng Tàu thu mua hơn 22ha đất sản xuất khu vực thôn Buôn Đung làm trang trại. Theo người dân địa phương, kể từ ngày nhà sư này mạnh tay thu gom, đất Ninh Tây càng ngày càng được giá.
Nhiều hệ lụy
Mới đây, trong buổi làm việc với ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo xã Ninh Tây có báo cáo về tình trạng sốt đất tại các thôn như: Buôn Đung, Buôn Tương, Sông Búng…, đặc biệt là Buôn Đung. Trước việc người dân địa phương ồ ạt sang nhượng đất, lãnh đạo địa phương cho rằng, có thể giá đất cao khiến người dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhưng về lâu về dài sẽ không còn đất sản xuất, canh tác. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong số 28 xã, phường ở thị xã Ninh Hòa, Ninh Tây được coi là xã nghèo nhất với đa số người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông như: trồng lúa, mía, các cây lương thực ngắn ngày và một số ít trồng rừng. Hiện nay, toàn xã có 267 hộ nghèo, 137 hộ cận nghèo - tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung thị xã. Đến thời điểm này, Ninh Tây là địa phương hoàn thành ít tiêu chí nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ đạt 8/19 tiêu chí; trong đó các tiêu chí như: nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người xã rất khó thực hiện.
Tại buổi làm việc với xã Ninh Tây mới đây, ông Lê Thanh Quang chỉ đạo xã kiểm tra, rà soát, nắm bắt thực trạng người dân sang nhượng đất ồ ạt. Ông yêu cầu, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được đất không chỉ là tài sản mà còn là tư liệu sản xuất quý giá. Bên cạnh đó, xã cần phối hợp với các ngành chức năng của thị xã tích cực triển khai các đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân có thu nhập ổn định, lâu dài. |
Ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, trước nay người dân Ninh Tây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng mía. Tuy vậy, vài năm trở lại đây cây mía mất mùa, giá bán thấp, nhân công cao, người dân càng làm càng lỗ nên phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Còn chuyện người dân ồ ạt bán đất ở, đất sản xuất, hay những trường hợp thu gom đất sản xuất, xã cũng chỉ nghe các thôn báo cáo chứ chưa nắm được một cách chính xác. Bởi theo ông Tịnh, hiện nay, tất cả các giao dịch đất đai người dân thực hiện đều không qua xã. Đất được giá, người dân sở hữu và sử dụng đất có quyền bán nhưng tình trạng này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, bởi đối với người dân ở khu vực nông thôn, đất không chỉ là tài sản mà còn là tư liệu sản xuất, một khi bán hết đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống về lâu dài.
Ở Buôn Đung, có nhiều người đã lâm vào cảnh bán hết đất nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Trò chuyện với anh Y Nhỏ, anh kể trước kia gia đình có vài héc-ta đất trồng mía, dù thu nhập từ mía bấp bênh nhưng anh vẫn có công việc, thu nhập để nuôi sống gia đình. Tuy vậy, mấy năm qua, do thấy mía ngày càng thua lỗ, trong khi giá đất lên cao nên anh đã bán hết để trang trải nợ nần, hiện chỉ còn vài chục mét vuông để ở. Hiện nay, cuộc sống cả gia đình 4 người đều trông cậy vào số tiền hơn trăm nghìn một ngày anh đi làm công cho các chủ trang trại, nhưng có hôm cũng không có việc gì để làm.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, sau khi nắm bắt thông tin, thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương nắm rõ thực trạng sang nhượng đất, mục đích sử dụng như thế nào, báo cáo cụ thể để thị xã có hướng giải quyết phù hợp.
An Nhiên