Rừng ngập mặn Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Các nhà quản lý và khoa học đang tìm biện pháp bảo tồn.
Rừng ngập mặn Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Các nhà quản lý và khoa học đang tìm biện pháp bảo tồn.
Nguy cơ xóa sổ
Theo số liệu khảo sát về rừng ngập mặn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2017, rừng ngập mặn Khánh Hòa chỉ còn hơn 60ha. Trong khi đó số liệu trước năm 1975 là 2.500ha. Điều đó cho thấy, rừng ngập mặn Khánh Hòa đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Các nhà quản lý và khoa học cùng nhận định, thời kỳ mất rừng nhiều nhất là giai đoạn 1990 - 2000, khi con tôm “lên ngôi”, nhiều khu rừng ngập mặn bị tiêu diệt để làm đìa nuôi tôm. Toàn tỉnh bị mất rừng hàng ngàn héc-ta, đặc biệt là những khu vực có nguồn lợi to lớn như: đầm Nha Phu, Thủy Triều, rừng Tuần Lễ, khu vực Vĩnh Thái - Phước Đồng (TP. Nha Trang)… Rừng mất đồng nghĩa với sinh thái biến đổi, một thời gian sau con tôm bị dịch bệnh triền miên. Người nuôi tôm thua lỗ, không còn đủ sức duy trì con tôm, khi nhận thức được quay lại giữ rừng thì đã muộn. Diện tích rừng ngập mặn phục hồi không đáng kể so với trước.
Không chỉ phá rừng ngập mặn nuôi tôm, các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng tới việc thu hẹp rừng ngập mặn. Điển hình như việc xây dựng đường Cổ Mã - Đầm Môn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng bần Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) cả trăm năm tuổi. “Việc ngăn nước mặn vào các ô rừng bần sau khi làm đường đã tác động xấu tới rừng bần khiến nhiều cây bần bị chết do điều kiện sống thay đổi. Cây bần - một cây điển hình của rừng ngập mặn, không thể sống khi thiếu nước mặn”, Kỹ sư Trần Giỏi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho hay.
Thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân nhận thức được vấn đề về môi trường, vai trò của rừng ngập mặn đã gầy lại rừng. Song việc gây rừng cũng như “muối bỏ biển”. Năm 2013, Nhà máy Đường Cam Ranh phối hợp Viện Hải dương học Nha Trang trồng lại rừng sau nhà máy tiếp giáp với đầm Thủy Triều. Đơn vị đã cố gắng gầy lại rừng vừa tạo sinh cảnh vừa giúp thanh thải những chất không có lợi đến môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, rác thải nhựa đã uy hiếp sức sống của cánh rừng này. Rác thải nhựa đang bủa vây, bấu víu, bám vào thân cây mấm, gây tác động không tốt đến sức sinh trưởng và phát triển của cây mấm.
Tìm giải pháp bảo tồn
Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn trên bán đảo Hòn Hèo rất đa dạng, phong phú với 54 loài (19 loài thực thụ và 35 loài tham gia thuộc 34 họ, 50 chi). Không chỉ đa dạng về thành phần loài mà rừng ngập mặn Hòn Hèo còn đa dạng về giá trị sử dụng như: làm gỗ, dược liệu, tinh dầu, tanin, thực phẩm, cây cảnh… Tổng diện tích rừng ngập mặn Hòn Hèo chỉ còn khoảng 30ha. Nhiều loài có nguy cơ cần khẩn cấp nhân giống bảo tồn. Các loài cây ưu tiên là: Bát nha, Bàng vuông, Phong ba, Hếp, Bằng phi, Tâm mộc tim, Đa tử biển, Vẹt dù…
Ông Lê Đình Quế - Kiểm lâm viên địa bàn Ninh Phú, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết, việc phục hồi rừng ngập mặn nói riêng hay rừng nói chung bằng cách giao rừng cho người nghèo, người khó khăn không còn phù hợp. Bởi, hộ nghèo không có điều kiện chăm sóc, bảo vệ rừng, dẫn đến rừng tiếp tục bị tàn phá. Cần xem xét giao rừng cho những hộ có điều kiện, để họ thuê mướn người nghèo làm việc, việc giữ rừng mới có hiệu quả. Một khó khăn hiện nay của lực lượng kiểm lâm là thiếu kinh phí và phương tiện giữ rừng. Việc khoán gọn định mức kinh phí không còn phù hợp để kiểm lâm có thể thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, chưa kể nhiều nơi còn thiếu phương tiện để tuần tra rừng (cụ thể như tuần tra rừng ngập mặn phải có phương tiện thủy).
Sự chung tay bảo vệ rừng ngập mặn rất cần sự trợ sức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Tổ chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho biết, kể từ khi đơn vị chuyển sang hình thức cổ phần hóa đã định hướng phát triển du lịch sinh thái. 2 đảo Hoa Lan và đảo Khỉ do đơn vị quản lý phát triển mạnh loại hình này. Trong đó, đảo Hoa Lan có rừng ngập mặn, đơn vị tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt và không ngừng phát triển mở rộng, hiện nay là 4,3ha, tương lai 10ha. “Việc huy động các doanh nghiệp tham gia bảo vệ phát triển rừng ngập mặn là hướng đi đúng. Hiện nay có nhiều đơn vị đã làm. Tỉnh cần có cơ chế phát huy, khuyến khích…”, ông Hưởng nói.
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Trường - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Khánh Hòa cần khẳng định giá trị của rừng ngập mặn đối với phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Việc tỉnh xây dựng đề tài nghiên cứu khảo sát rừng ngập mặn Hòn Hèo thể hiện sự quan tâm và định hướng cho sự phát triển bảo tồn nguồn gen quý của rừng ngập mặn. Do đó, tỉnh cần có nghiên cứu tổng thể về rừng ngập mặn toàn tỉnh, từ đó có kế hoạch bảo vệ toàn diện. Bảo vệ, bảo tồn đi đôi với tuyên truyền, quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm hành vi xâm hại. Ngoài ra, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng vườn bảo tồn cây giống rừng ngập mặn, đặc biệt là các loài cây quý hiếm, có nguy cơ bị xâm hại để làm cơ sở phục hồi rừng ngập mặn căn cơ, bền vững.