10:05, 21/05/2019

Gắn bảo tồn với phát triển đa dạng sinh học

Sáng 21-5, hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22-5), Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức hội thảo Đa dạng sinh học và bảo tồn, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. 


 

Sáng 21-5, hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22-5), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức hội thảo Đa dạng sinh học và bảo tồn, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Hội thảo khẳng định thế mạnh đa dạng sinh học của Khánh Hòa và kiến nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn.


Thế mạnh đa dạng sinh học


Tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhấn mạnh, Khánh Hòa có nhiều vũng, vịnh, đầm, phá, hơn 200 đảo lớn nhỏ ven bờ, là điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng và phong phú của sinh cảnh biển. Rạn san hô tập trung tại 3 khu vực chính là: Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh với tổng diện tích ven bờ ước tính hơn 3.000ha; hình thái san hô đa dạng. Đầm Thủy Triều và vịnh Vân Phong mỗi nơi xấp xỉ 600ha thảm cỏ biển, đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh thái đầm, vịnh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa trước đây ghi nhận có nhiều sinh vật quý hiếm như: bò biển, rùa biển, đồi mồi, ốc tù và, ốc anh vũ, trai tai tượng...

 

Đại biểu dự hội thảo quan tâm đến đa dạng sinh học Khánh Hòa.

Đại biểu dự hội thảo quan tâm đến đa dạng sinh học Khánh Hòa.


Theo kỹ sư Trần Giỏi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa, về thực vật, Khánh Hòa rất đa dạng về chủng loại do phong phú hệ sinh thái như: rừng ngập mặn, rừng khô hạn cồn cát ven biển, rừng khô thưa bán thay lá nhiệt đới, rừng kín thường xanh, rừng rêu... Chính vì thế, thực vật Khánh Hòa đa dạng nguồn gen, nhiều loài quý hiếm chỉ tìm thấy tại Khánh Hòa. Nhiều nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm (100 loài) như: pơ mu, lan hài hồng, thông 2 lá dẹp, đỗ quyên, gõ đỏ, trắc dây... Động vật rừng cũng rất phong phú, chỉ riêng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà hiện có 429 loài động vật ở 109 họ, 32 bộ, trong đó có 56 loài động vật quý hiếm và nhiều loài đặc hữu như: vượn đen má hung, chà vá chân đen, trĩ sao, hồng hoàng...


Cần quan tâm công tác bảo tồn


Mặc dù khẳng định thế mạnh đa dạng sinh học của Khánh Hòa nhưng các đại biểu đều cho rằng hệ sinh vật Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ suy giảm, thậm chí biến mất do quá trình phát triển đô thị nhanh, nạn phá rừng, các dự án xây cất, lấn biển, hủy diệt bằng chất nổ, xung điện, xung đột giữa các ngành... Tuy nhiên, tỉnh chưa có chính sách hay giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn cảnh báo, Khánh Hòa đang đương đầu với sự mất mát, suy thoái hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, suy giảm cảnh quan dưới nước, trên cạn. Rừng ngập mặn suy giảm từ 950ha (năm 1975) còn 17ha (năm 2014); cây bần Tuần Lễ (huyện Vạn Ninh) gần như biến mất do tình trạng lấn đất làm khu dân cư, đường giao thông ra đìa nuôi tôm; độ phủ san hô trung bình thấp hơn nhiều so với những năm 1990; nguồn cá rạn tiêu giảm, chỉ còn nhóm cá nhỏ, giá trị thấp...

 

Trong khuôn khổ hội thảo, Sở TN-MT phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức triển lãm gần 100 bức tranh về đa dạng sinh học Khánh Hòa và một số công trình, đề tài, sản phẩm thành công của trường như: đông trùng hạ thảo, vi nấm biển, sản xuất tỏi đen, nuôi cấy mô tế bào thực vật...

Thạc sĩ Đàm Hải Vân - Giám đốc Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, ban triển khai một số nội dung thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, phối hợp với các ngành, địa phương giáo dục, tuyên truyền, bảo tồn nhưng xem ra “lực bất tòng tâm” bởi ban không có chức năng quản lý nhà nước, khi có vấn đề gì lớn đều phải kiến nghị UBND TP. Nha Trang giải quyết. Đến nay, ban còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp, tiếp nhận thông tin dự án liên quan hệ sinh thái vịnh; không thể quản lý bãi đẻ, bãi giống nhiều loài vì mặt nước đã giao cho doanh nghiệp quản lý; chưa có bản đồ phân khu chức năng; việc chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học khó thực hiện...  


Các đại biểu thống nhất kiến nghị tỉnh nên thành lập các vùng không khai thác (Hòn Mun là vùng lõi vẫn bị khai thác); huy động doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo tồn; sử dụng kết quả nghiên cứu di truyền vào công tác bảo tồn; phát triển nuôi biển sâu; đánh giá tương tác biển - bờ; tăng cường công tác quy hoạch phát triển các khu bảo tồn; bảo tồn theo từng cấp độ; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền...


Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT, sở sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý tại hội thảo để đề đạt với UBND tỉnh những nội dung đại biểu quan tâm nhằm tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học.


V.Lạc