Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đây là những vật thuộc nhóm chất thải nguy hại nên công tác thu gom, vận chuyển, xử lý phải đúng nguyên tắc.
Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây là những vật thuộc nhóm chất thải nguy hại nên công tác thu gom, vận chuyển, xử lý phải đúng nguyên tắc.
Xử lý chưa đảm bảo
Toàn tỉnh có hơn 106.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng khoảng 350 tấn, tương đương lượng vỏ bao bì 35 tấn. Vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng nếu không được thu gom, tiêu hủy sẽ gây tác hại xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, một số địa phương có bố trí bể chứa đựng bao bì thuốc BVTV nhưng chưa đáp ứng quy cách, tiêu chuẩn, số lượng, vị trí. Đồng thời, một phần nông dân xử lý chưa bảo đảm yêu cầu.
Bà Hà Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, cách đây hơn 10 năm, nhận thức được tác hại của bao bì thuốc BVTV đối với môi trường, sức khỏe, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình thu gom vỏ thuốc, chai lọ, bao bì thuốc BVTV, hỗ trợ kinh phí đặt bể thu gom, vận động nông dân thu gom, xử lý. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là thu gom chứ chưa xử lý. Một số nơi nông dân thấy đầy thì tự chôn đốt, có nơi chuyển cho công ty môi trường vận chuyển đến bãi rác tự xử lý nên chưa đảm bảo.
Ông Lê Đình Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Thạnh (Diên Khánh) cho biết, Hội Nông dân tỉnh có hỗ trợ một số bi giếng để nông dân thu gom, xử lý. Song vì thời gian quá lâu, đồng thời cánh đồng lại thay đổi do quy hoạch giao thông nội đồng nên số bi giếng này hiện nay không còn nhiều.
Sẽ khép kín
Theo ước tính của Chi cục Trồng trọt và BVTV, từ năm 2018-2020, toàn tỉnh cần hơn 30 tỷ đồng để thực hiện việc quy trình khép kín thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn (trong đó có xây dựng 28.800 bể chứa đúng quy cách), riêng kinh phí năm 2018 là 4,6 tỷ đồng. |
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng thuộc nhóm chất thải nguy hại. Do đó, việc phân định, phân loại và lưu giữ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư 36/2015 của Bộ TN-MT về quản lý chất thải nguy hại. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ TN-MT cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2016 về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Hiện nay, mô hình bố trí bể chứa tại các cánh đồng để thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đã mang lại hiệu quả tích cực, tình trạng người dân vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi sau sử dụng giảm đáng kể. Tuy nhiên, quy cách bể chưa đúng quy định (thể tích, nắp đậy…), số lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vị trí chưa thuận tiện cho người dân, số lượng bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom còn khá lớn. Do đó, Hội Nông dân cần phối hợp với UBND cấp xã để bố trí địa điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa bảo đảm yêu cầu theo quy định; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thu gom và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.
Ông Hà Quang Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa cho biết, công ty được Bộ TN-MT cấp phép có đủ điều kiện xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại công suất 100 tấn/ngày. Trong đó, lò đốt chất thải nguy hại công suất 1 tấn/giờ, có thể xử lý đảm bảo vỏ bao bì thuốc BVTV. Vấn đề là tỉnh cần có giải pháp vận chuyển chất thải này về nhà máy theo quy định.
Theo ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở TN-MT, sẽ có giải pháp “khép kín” cho việc tuyên truyền và xử lý bao bì thuốc BVTV trong thời gian tới. Cụ thể, Sở TN-MT sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí, chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng…
V. LẠC