UBND tỉnh vừa có báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc quản lý, xử lý chất thải công nghiệp.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc quản lý, xử lý chất thải công nghiệp.
Theo báo cáo, hàng năm, UBND tỉnh đã bố trí nguồn chi ngân sách tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí sự nghiệp môi trường toàn tỉnh gần 741 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với phương pháp chủ yếu là đốt; có 3 bãi rác được đầu tư xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh là: Lương Hòa (Nha Trang), Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), Hòn Rọ (Ninh Hòa) để xử lý chất thải rắn thông thường cho 3 đô thị lớn và 1 lò đốt rác sinh hoạt theo công nghệ Nhật Bản (Cam Lâm); số còn lại là các bãi rác hở, chôn lấp không hợp vệ sinh, thậm chí đốt rác; công tác xã hội hóa về thu gom rác thải đã được thực hiện nhưng chưa phổ biến rộng rãi. Số lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 61.685 tấn/năm. Về chất thải rắn nguy hại, có 232 chủ nguồn thải chất thải nguy hại đã đăng ký cấp số theo quy định, khối lượng phát sinh khoảng 867 tấn/năm.
Từ năm 2014 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 180 số đăng ký cho các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2014 đến 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 6 cuộc thanh tra, nhiều đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất về bảo vệ môi trường đối với 209 cơ sở; qua đó, ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 1 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng…
KHÁNH TÂM