10:09, 29/09/2016

Phục hồi thành công các loài san hô ở mũi Bàng Thang

Đề tài "Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang (Tây Bắc Hòn Tre, vịnh Nha Trang) do Thạc sĩ Nguyễn Đình Đàn (Viện Hải Dương học) thực hiện từ năm 2013 vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu.

Đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang (Tây Bắc Hòn Tre, vịnh Nha Trang) do Thạc sĩ Nguyễn Đình Đàn (Viện Hải Dương học) thực hiện từ năm 2013 vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu. Kết quả đề tài sẽ góp phần phục hồi rạn san hô, bảo vệ đa dạng sinh học biển, phục vụ phát triển du lịch lặn biển.

Qua khảo sát, mũi Bàng Thang từng là khu vực có nhiều loài san hô phát triển, đã xác định được 53 loài san hô có phân bố trong khu vực, trong đó có 22 loài phân bố ở Bắc Hòn Đen và 39 loài ở Nam Hòn Đen. Trong những năm qua, việc khai thác thủy sản có tính hủy diệt và khai thác san hô làm mỹ nghệ đã làm suy thoái rạn san hô ở khu vực trên. Vì thế, nhóm nghiên cứu chọn địa điểm này để triển khai các hoạt động nghiên cứu.

 

San hô nếu được phục hồi sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo ở Vịnh Nha Trang
San hô nếu được phục hồi sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo ở Vịnh Nha Trang


Đề tài được thực hiện với mục tiêu thiết kế và thử nghiệm rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô nhằm mục đích tạo cảnh quan cho du lịch lặn biển và giảm thiểu sóng đối với bãi tắm vịnh Nha Trang. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được khu rạn nhân tạo đa chức năng với 100 giá thể bằng bê tông, hình nón với chiều dài khoảng 150m, thả xuống khu vực phía Nam Hòn Đen thuộc mũi Bàng Thang theo từng cụm để trồng phục hồi và mở rộng sự phát triển của san hô ở nền đáy, với tổng diện tích san hô 4.000m2.


Quá trình theo dõi cho thấy, tổng số lượng san hô phục hồi là 3.974 tập đoàn, trên 2 loại giá thể bồn bê tông và nền đáy tự nhiên. Trong đó có 3 loài có tỷ lệ sống cao đạt 69,9%, có khả năng tồn tại trong khu vực mũi Bàng Thang. Theo ghi nhận, san hô bám và phục hồi trên bồn giá thể bê tông có tỷ lệ sống cao hơn trên nền đáy tự nhiên. Bên cạnh đó có sự tham gia phục hồi tại chỗ của các giống san hô cứng và san hô mềm, tăng thêm cảnh quan cho khu vực du lịch và lặn biển, có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học.


Ngoài nghiên cứu phục hồi san hô, nhóm tác giả còn nghiên cứu, đánh giá tác động ảnh hưởng của công trình rạn nhân tạo đối với việc giảm sóng ở bãi tắm Nha Trang vào các mùa gió mùa Đông Bắc và Tây Nam. Kết quả cho thấy, các tác động của động lực sóng và dòng chảy trước và sau khi xây dựng rạn nhân tạo không có tác động đáng kể (dưới 1%) đến sự giảm sóng ở các bãi tắm Nha Trang.


Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá đề tài cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Việc ứng dụng kết quả đề tài trong thực tế sẽ giúp thực hiện nhiều mục tiêu về phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học biển, đặc biệt là kết hợp để phát triển ngành du lịch lặn biển trên các vùng biển ở Khánh Hòa.


Theo chủ nhiệm đề tài Nguyễn Đình Đàn, thời gian đánh giá hiệu quả của mô hình xây dựng rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô chưa đủ dài để san hô phát triển. Do vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, kiểm tra và phục hồi những loài san hô thích ứng với điều kiện của khu vực. Với thành công ban đầu của nghiên cứu, cần tiếp tục triển khai ở những khu vực biển có tiềm năng phát triển du lịch và giải trí biển, các khu nghỉ dưỡng. Nhóm nghiên cứu đề nghị nên giao kết quả nghiên cứu cho cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp có khả năng phát triển kết quả ở khu vực mới, phục vụ du lịch biển trong tương lai. Chính quyền các cấp cần có chủ trương, chính sách quy hoạch không gian ven biển để công tác quản lý được chặt chẽ nhằm triển khai mô hình có hiệu quả, tránh những xung đột đáng tiếc xảy ra.  


LƯU KHÁNH