Những năm gần đây, mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ở phường Ngọc Hiệp hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khu dân cư.
Những năm gần đây, mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường (BVMT) ở phường Ngọc Hiệp hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về trách nhiệm BVMT trong khu dân cư.
Làm sạch khu dân cư
Đưa chúng tôi đến cầu Hòa Bình, chỉ khu vực trước đây là điểm ô nhiễm môi trường vì rác thải, ông Nguyễn Tem - Tổ trưởng tổ dân phố 13 cho biết: “Trước đây, rác thải do người dân ném ra khu vực này làm tắc nghẽn, tạo thành một khúc sông rác bốc mùi hôi thối. Nhưng từ khi triển khai mô hình khu dân cư tự quản BVMT, rác thải được thu gom, nước sông trở nên trong xanh, không còn hôi thối nữa. Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi vì môi trường trong khu dân cư trở nên sạch, đẹp. Ý thức BVMT của người dân nơi đây đã được nâng cao”.
Khu vực cầu Hòa Bình không còn cảnh ô nhiễm môi trường vì rác thải sinh hoạt |
Được biết, cồn Ngọc Thảo (gồm tổ dân phố 13 và 14 Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp) hiện nay có hơn 400 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu. Đoạn đường Đoàn Kết và cây cầu Ngọc Thảo là con đường duy nhất nối kết giao thông giữa “ốc đảo” Ngọc Thảo với bên ngoài, nhưng đường khá quanh co, chật hẹp... gây nhiều trở ngại cho người dân trong việc đi lại, xe chuyên dụng của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang không thể vào khu vực này để thu gom rác thải. Vì thế, trước đây, hầu hết người dân chọn giải pháp tiêu hủy rác thải bằng cách vứt xuống cầu Hòa Bình để sông Cái cuốn ra biển. Việc làm này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, Mặt trận phường Ngọc Hiệp đứng ra nhận trách nhiệm triển khai thí điểm mô hình khu dân cư tự quản BVMT tại tổ dân phố 13, 14. Để tạo sự đồng thuận của người dân, Mặt trận phường phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố tiến hành họp dân, vận động và phân tích lợi ích khi tham gia BVMT; đồng thời trực tiếp đến từng hộ để vận động. Nhờ đó, 100% số hộ đã ký cam kết tham gia BVMT. Mô hình hoạt động theo hình thức tự thu tự chi với mức 20.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền thu được dùng để chi trả cho nhân công thu gom, còn lại chi cho các hoạt động sửa chữa phương tiện thu gom rác. Vào mỗi buổi chiều, tổ thu gom rác thải gồm 3 người có nhiệm vụ đến từng nhà dân để thu gom, rồi vận chuyển ra bãi tập kết để xe của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang chở đi tiêu hủy.
Hiệu quả từ mô hình không chỉ làm sạch môi trường khu dân cư mà còn tạo việc làm và giúp cho 3 hộ nghèo ở đây vươn lên thoát nghèo. Chị Hà Thị Nhược Thu (tổ dân phố 13) cho biết: “Được Mặt trận phường tạo điều kiện đi thu gom rác thải, mỗi tháng, vợ chồng tôi được trả công hơn 8 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình bớt khó khăn, con cái được đến trường. Với số vốn tích cóp bấy lâu nay và được địa phương hỗ trợ nên gia đình đã xây được căn nhà cấp 4 khang trang”.
Tiếp tục nhân rộng
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Ngọc Hiệp cho biết, mô hình khu dân cư tự quản BVMT ở tổ dân phố 13, 14 Ngọc Thảo đã và đang phát huy được tinh thần tự giác của cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư tham gia BVMT; đồng thời hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện, trách nhiệm giám sát và tự giám sát quy định BVMT tại cộng đồng dân cư. Những hoạt động trên đã góp phần giữ gìn cảnh quan khu dân cư, giúp môi trường được cải thiện một cách đáng kể. “Với hiệu quả từ mô hình ở tổ dân phố 13, 14, hiện nay, chúng tôi đang triển khai nhân rộng ra 12 tổ dân phố còn lại. Bước đầu, chúng tôi đã cử cán bộ mặt trận tổ dân phố đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của 2 tổ này. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí ban đầu và hướng dẫn cách làm cho các tổ dân phố còn lại. Tất cả với quyết tâm làm cho khu dân cư trong toàn phường luôn xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, ông Tuấn cho biết.
Để mô hình được nhân rộng và phát huy hiệu quả, không chỉ có sự vào cuộc của Mặt trận các cấp mà rất cần sự vào cuộc của tất cả các tổ chức đoàn thể, chính quyền và đặc biệt là người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường để cải tạo nhà vệ sinh chưa hợp chuẩn…
VĂN GIANG