20:24, 06/08/2023

Bảo vệ rạn san hô khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất: Cần những giải pháp hiệu quả hơn

Khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất (TP. Nha Trang) có diện tích san hô khoảng 11ha, đa dạng về thành phần loài, hệ sinh thái phong phú. Tuy nhiên, thời gian qua, vào thời điểm thủy triều xuống thấp, nhiều người dân và du khách đã lội ra xa để bắt hải sản, chèo thuyền, vui chơi làm tác động trực tiếp tới hệ sinh thái san hô đang trong quá trình phục hồi.

Hệ sinh thái san hô đang bị tác động

Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang trong tháng 7, khu vực biển Hòn Chồng có diện tích san hô khoảng 3,5ha. Trong đó, phía nam Hòn Chồng san hô đang trong quá trình phục hồi, do vùng này mới được cải tạo; phía bắc Hòn Chồng có sự đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn, độ tuổi 5 - 10 năm. Tại khu vực biển đối diện đường Đặng Tất, diện tích san hô khoảng 7,5ha và có độ đa dạng sinh học cao hơn khu vực Hòn Chồng. Khu vực này san hô đang phát triển tốt, có độ phủ 50 - 60%, bao gồm san hô cứng tạo rạn có kích thước lớn và nhiều loài san hô mềm, thảm cỏ biển, rong biển nên thu hút nhiều loài thủy sản về đây sinh sống, vào thời điểm khảo sát có rất nhiều đàn cá con trú ngụ.

Dù đã có biển cấm song nhiều người dân vẫn vô tư lội ra biển vào lúc thủy triều rút để bắt hải sản, vui chơi làm tác động đến vùng san hô. Ảnh chụp chiều 3-8.
Dù đã có biển cấm song nhiều người dân vẫn vô tư lội ra biển vào lúc thủy triều rút để bắt hải sản, vui chơi làm tác động đến vùng san hô. Ảnh chụp chiều 3-8.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất, từ 17 giờ, thủy triều bắt đầu rút để lộ ra đáy biển, các bãi đá ven bờ. Người dân tổ chức các trò chơi, đá banh ngay dưới nền biển nơi thủy triều rút. San hô khu vực này ở vị trí ngay sát bãi tắm, phân bố sát bờ từ 200 đến 300m ra phía biển với độ sâu 2 - 7m. Hiện nay, khi thủy triều rút, người dân và du khách đã lội ra xa bãi để tắm, có người còn chèo thuyền kayak, tác động trực tiếp tới san hô khu vực này.

 

Trên bãi cát dọc biển, BQL vịnh Nha Trang đã cắm biển nghiêm cấm vào khu vực có rạn san hô, thảm cỏ biển; cấm khai thác các loài thủy sản, hủy hoại cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Nam, người dân thường xuyên tắm biển khu vực biển Hòn Chồng cho rằng, biển cấm làm rất đơn sơ, dòng chữ cảnh báo lại nhỏ, chỉ có tiếng Việt không có tiếng Anh. Biển cấm nhỏ trên bãi biển lớn, đông người nên người dân và du khách đi qua không mấy quan tâm. Mặt khác, nội dung biển cấm nêu chung chung là khu vực cấm, nhưng trên thực tế ngoài bãi biển không phân định rõ là khu vực nào bị cấm, khu vực nào được phép vui chơi. Trong khi đó, phản ánh đến Báo Khánh Hòa, một bạn đọc cho biết, ở bãi biển Hòn Chồng - Đặng Tất, thời điểm thủy triều rút, khi có lực lượng chức năng đi tuần tra và phát loa thông báo thì người dân và du khách còn e dè. Nhưng sau 18 giờ đến đêm khuya, lực lượng chức năng tháo các biển cấm đi, người dân lại ào xuống để mò ốc, bẻ san hô mang về. 

Sẽ lắp phao phân vùng bãi tắm và làm lại biển cấm

Trao đổi với phóng viên về lý do tháo biển cấm sau 18 giờ, đại diện Tổ tuyên truyền Hòn Chồng (thuộc BQL vịnh Nha Trang) cho biết, thời gian qua, có một số đối tượng lợi dụng đêm khuya đã tháo gỡ, lấy đi các biển cấm nên hiện nay, tổ tuyên truyền chỉ cắm biển vào ban ngày. Sau khi tiếp nhận phản ánh về những nội dung trên, ngày 4-8, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, sẽ lập tức chỉ đạo các tổ tuyên truyền làm lại các biển cấm chắc chắn, chữ to hơn; đồng thời tổ chức thêm lực lượng tuyên truyền, ứng trực, cắm biển cấm 24/24 giờ ở khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất.

San hô khu vực Hòn Chồng nổi lên khi thủy triều rút. 
San hô khu vực Hòn Chồng nổi lên khi thủy triều rút. 

Theo ông Thái, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về phục hồi tổng thể vịnh Nha Trang, thời gian qua, các phòng, ban và xã, phường có biển thường xuyên tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân và du khách về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Nha Trang nói chung và bảo vệ rạn san hô nói riêng; cũng như các quy định, chế tài xử phạt hiện hành đối với các hành vi xâm hại đến môi trường vịnh và hệ sinh thái rạn san hô. Đối với khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất, tổ công tác của thành phố đã liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền tại hiện trường và lưu động tại khu vực biển; phát loa cảnh báo, đi tuần tra nhắc nhở yêu cầu người dân không giẫm đạp san hô, cỏ biển và bắt hải sản nơi đây nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô. Trong 7 tháng năm 2023, tổ đã nhắc nhở hơn 50 trường hợp người dân, du khách lội xuống vùng rạn san hô tại khu vực biển Hòn Chồng, thu giữ khoảng 5kg ốc, cá để thả lại xuống biển.  

Tổ tuyên truyền phát loa thông báo người dân không ra xa khu vực bãi tắm tránh tác động đến san hô.
Tổ tuyên truyền phát loa thông báo người dân không ra xa khu vực bãi tắm tránh tác động đến san hô.

Ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, BQL đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư lắp đặt giàn phao phân vùng, camera giám sát, bảng tuyên truyền về bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Mun và Hòn Chồng, trong đó xem xét đưa khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt để có cơ sở pháp lý trong công tác quản lý bảo tồn. Đồng thời, đơn vị sẽ thực hiện khoanh khu vực giữa Hòn Chồng và Đặng Tất thành 2 bãi tắm an toàn, vừa đảm bảo cho du khách tham quan, tắm biển, vừa không để người dân xâm phạm khu được bảo vệ khi thủy triều xuống thấp. BQL tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị của thành phố thực hiện tuyên truyền bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất; tuần tra và cương quyết xử lý các trường hợp bẻ san hô, bắt các loài thủy sản; tổ chức các đợt thu dọn rác dưới đáy biển.

San hô khu vực vịnh Nha Trang đang phục hồi.

Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang gửi Thường trực Tỉnh ủy ngày 31-7 liên quan đến vấn đề bảo tồn san hô khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất, thành phố nêu giải pháp: Tăng cường công tác giám sát các hệ sinh thái, chủ động phối hợp với các nhà khoa học xác định nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục đối với những yếu tố môi trường đang tác động bất lợi đến san hô; giao BQL vịnh Nha Trang lập kế hoạch đánh giá, theo dõi định kỳ chất lượng nước tại khu vực để theo dõi diễn biến môi trường cũng như các yếu tố có nguy cơ tác động đến khu vực phục hồi san hô; xây dựng kế hoạch khảo sát hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển định kỳ để theo dõi mức độ, đặc điểm phục hồi hệ sinh thái khu vực này, từ đó triển khai các hoạt động bảo tồn kịp thời, chính xác, hiệu quả cao... 

THÁI THỊNH