21:04, 04/09/2023

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

H.NGÂN (Thực hiện)

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 triển khai Chương trình Giáo dục (GD) phổ thông 2018, cũng là năm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình đối với khối lớp cuối cùng ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT trong năm học tiếp theo. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: 

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

- Để triển khai Chương trình GD phổ thông 2018, từ Trung ương đến địa phương đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện. Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo các điều kiện để triển khai. Trong đó, ngành GD đã thực hiện lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên (GV) phổ thông; chuẩn bị đội ngũ GV dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3; bố trí, sắp xếp đội ngũ GV đảm bảo số lượng, cơ cấu; tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Trong đó, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GD mầm non và GD giai đoạn 2017 - 2025”; thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia: “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở GD. Có thể nói, việc triển khai Chương trình GD phổ thông 2018 tạo được những chuyển biến tích cực như: Cơ sở vật chất phục vụ dạy học được quan tâm đầu tư; môi trường học tập của học sinh được cải thiện; trình độ cán bộ quản lý GD, năng lực GV được nâng cao; chất lượng GD được cải thiện...

- Quá trình triển khai Chương trình GD phổ thông 2018 gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này? 

- Tuy đã được quan tâm đầu tư, song hiện nay trong toàn tỉnh vẫn còn một số trường chưa trang bị đủ phòng Tin học, Ngoại ngữ và trang thiết bị để dạy Tin học. Do ngân sách còn hạn chế, một số trường có phòng học xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy và học. Ngoài ra, đội ngũ GV chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, thầy cô được phân công giảng dạy các môn tích hợp như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp… gặp khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo. Các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT không đủ giáo viên nên một số trường phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, nhất là trong công tác quản lý chuyên ngành, tiếp cận đổi mới chương trình, sách giáo khoa và ứng dụng khoa học công nghệ. Để thực hiện thành công những mục tiêu đề ra của Chương trình GD phổ thông 2018, các cấp quản lý GD sẽ phải tiếp tục nỗ lực, kiên trì hơn nữa, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn đó. 

- Để thực hiện tốt Chương trình GD phổ thông 2018, trong năm học 2023 - 2024, ngành GD tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông? 

- Trước hết, ngành GD tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đồng thời nắm bắt kịp thời các ý kiến của người dân để phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tham mưu ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển GD-ĐT, qua đó tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển GD. Trong đó, quan tâm xây dựng trường, lớp đảm bảo các điều kiện học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học; giải quyết khó khăn về phòng học tin học và các phòng bộ môn của một số trường; sắp xếp đội ngũ GV; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, công tác mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GD phổ thông 2018 đã được 8 huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Trong đó, tổng kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị lớp 1, 2 và 6 gần 141 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 và 7 theo lộ trình. Đối với thiết bị tối thiểu cấp THPT, Sở GD-ĐT đang rà soát xây dựng dự án để triển khai thực hiện với ngân sách dự kiến 30 tỷ đồng. Ngoài ra, sở đang triển khai lập chủ trương đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các trường THPT để đạt chuẩn quốc gia với kinh phí 75 tỷ đồng. 

- Xin cảm ơn ông! 

H.NGÂN (Thực hiện)