18:19, 30/06/2023

8 lý do cha mẹ nhất định không so sánh con với người khác

Có rất nhiều lý do để cha mẹ không nên so sánh con mình với người khác.

 

Đừng để con cảm thấy thua kém người khác bởi mọi sự so sánh đều là một đòn tấn công bạo lực thầm lặng vào lòng tự trọng của con. (Ảnh: ITN).
Đừng để con cảm thấy thua kém người khác bởi mọi sự so sánh đều là một đòn tấn công bạo lực thầm lặng vào lòng tự trọng của con. (Ảnh: ITN).

 

Cho dù đó là anh chị em trong nhà hay con của một người bạn, việc so sánh sẽ làm tổn hại đến lòng tự trọng của con và khiến con cảm thấy không thỏa đáng.

So sánh con cái - hại nhiều hơn lợi

Chúng ta sống trong một môi trường cạnh tranh và bản chất cạnh tranh được xây dựng trong hệ thống của chúng ta từ khi còn nhỏ. Những người trẻ thường so sánh mức độ nổi tiếng của mình theo nhiều cách khác nhau - mạng xã hội, kết quả học tập, hình ảnh cơ thể, tình trạng gia đình, v.v.

Các bậc cha mẹ cũng bắt đầu chú ý đến việc những đứa trẻ khác nổi bật như thế nào và so sánh những điểm yếu hoặc điểm mạnh của con mình với những đứa trẻ khác.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng làm điều này sẽ khuyến khích con cái họ trở thành người tốt hơn nhưng đôi khi nó có thể tác động tiêu cực đến con.

Cảm thấy thua kém

Megha Chopra, một phụ huynh, nhà thơ và doanh nhân người Ấn Độ, nói: “Đừng để con bạn cảm thấy thua kém người khác bởi mọi sự so sánh đều là một đòn tấn công bạo lực thầm lặng vào lòng tự trọng của trẻ".

Lòng tự trọng thấp

Khi trẻ em nhận những lời chỉ trích mang tính cá nhân từ người thân trong gia đình, trẻ có thể phát triển niềm tin rằng có điều gì đó không ổn với mình.

Nếu trẻ liên tục nhận thông điệp rằng mình không tốt bằng người khác thì cảm giác “mình không đủ tốt” ấy sẽ len lỏi và nằm im lìm như một tế bào bị hủy, cho đến khi một ngày nào đó một tác nhân kích hoạt sẽ làm nỗi đau bùng nổ, khiến tâm trí và cơ thể trẻ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Gây lo lắng tột độ

 

Rối loạn lo âu là biểu hiện dễ thấy ở những đứa trẻ hay bị so sánh. (Ảnh: ITN).

 

Rối loạn lo âu là biểu hiện dễ thấy ở những đứa trẻ hay bị so sánh. Động lực của con bạn sẽ bị suy giảm đồng thời mức độ căng thẳng và lo lắng của chúng sẽ tăng lên nếu bạn so sánh chúng với những đứa trẻ khác.

Thay vì so sánh con bạn, hãy ngồi với chúng, nói về những lý do và những khó khăn mà chúng đang gặp phải. Cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái, hãy cẩn thận và đừng vẽ nên hình ảnh tồi tệ về cách nuôi dạy con cái.

Trẻ cảm thấy bị từ chối

Bi kịch lớn nhất đối với một đứa trẻ là bị từ chối, thậm chí bị ép buộc trở thành một phiên bản làm hài lòng cha mẹ mình. Bị từ chối ở độ tuổi non nớt đó sẽ gieo mầm cho các vấn đề sức khỏe tâm thần rõ ràng về sau này.

Mỗi đứa trẻ đều có bản sắc riêng

Mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có tài năng và sở thích riêng. Đứa trẻ không yêu thích âm nhạc có thể giỏi thể thao hoặc thích đọc sách. Vấn đề là cái này không tốt hơn cái kia, và đứa trẻ này cũng không tốt hơn đứa trẻ kia.

Hãy để chúng phát triển sở thích và khả năng của riêng mình. Trẻ không nên cảm thấy rằng mình buộc phải giống anh chị em ruột hoặc bất cứ ai khác.

Cảm thấy phẫn nộ

 

Việc bị so sánh có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy rất bực bội. (Ảnh: ITN).

 

Việc bị so sánh có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy rất bực bội. Khi chúng bị nói rằng chúng không giỏi bằng anh chị em của mình trong một lĩnh vực nào đó, chúng không chỉ cảm thấy cay đắng với cha mẹ mà còn đối với anh chị em của chúng.

Bạn có thực sự muốn nuôi dưỡng sự đối kháng giữa những đứa con của mình? Để điều này không xảy ra, bạn hãy ngừng so sánh, ngay cả khi bạn nghĩ rằng chúng không phát hiện ra, nhưng rất có thể ai đó sẽ nói với chúng.

Tác hại lâu dài

Theo Chopra, đôi khi sự so sánh cũng có thể khiến một đứa trẻ tin rằng mình vượt trội hơn so với phần còn lại, cướp đi sự khiêm tốn của trẻ và truyền sự kiêu ngạo một cách tinh vi vào tính cách của trẻ.

Ngoài ra, bạn có thể ngạc nhiên về thời gian ký ức có thể ở lại với một đứa trẻ. Rất lâu sau khi bạn đã quên câu nói “Tại sao con không thể giống anh trai mình?”, con bạn sẽ luôn nhớ mình không đủ tốt. Thông điệp sẽ mãi ở trong ký ức của con, ngay cả khi bạn không cố ý khiến con cảm thấy như vậy.

Theo Giáo dục và Đào tạo