10:10, 06/10/2022

Chống lạm thu trong nhà trường

Tuy ngành Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về việc đóng góp các khoản thu trong nhà trường, song tình trạng lạm thu vẫn diễn ra, nhất là vào đầu năm học, gây bức xúc đối với nhiều phụ huynh học sinh.

Tuy ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định về việc đóng góp các khoản thu trong nhà trường, song tình trạng lạm thu vẫn diễn ra, nhất là vào đầu năm học, gây bức xúc đối với nhiều phụ huynh học sinh (HS).


Nhiều khoản đóng góp


Ông T.H có con học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang cho biết, đầu năm học 2022-2023, hội phụ huynh của lớp kêu gọi các phụ huynh đóng góp tiền để mua ti vi phục vụ học tập cho HS. Sau khi đóng góp dư ra một khoản, hội tiếp tục đề xuất việc mua sắm máy lạnh lắp đặt trong phòng học. Cả lớp có 43 HS thì 42 phụ huynh đồng ý, chỉ riêng ông H. phản đối vì con anh sức khỏe yếu, bị dị ứng với máy lạnh, hơn nữa để trẻ trong phòng kín quá lâu không tốt trong tình hình dịch bệnh dễ lây lan hiện nay. Sau khi hội thống nhất chỉ sử dụng máy lạnh vào giờ nghỉ trưa, ông H. mới đồng ý vì con ông không ăn bán trú tại trường.

 

<p style="text-align: justify;">Các khoản thu và mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí quy định cho cấp tiểu học theo nghị quyết của HĐND tỉnh.</p>

Các khoản thu và mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí quy định cho cấp tiểu học theo nghị quyết của HĐND tỉnh.


Trường hợp của ông H. chỉ là một trong số các câu chuyện bức xúc xung quanh việc thu các khoản không được phép dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS. Dù trên danh nghĩa tự nguyện, nhưng ở một số nơi, việc gợi ý mức đóng góp tối thiểu, đưa ra mức kinh phí ủng hộ bình quân đối với cha mẹ HS, không công khai, minh bạch trong thu và chi, tự “vẽ” ra các khoản thu ngoài quy định… vẫn diễn ra. Đầu năm học, các loại quỹ chồng quỹ, từ quỹ trường đến quỹ lớp, thu xã hội hóa… trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.


Tăng cường quản lý


Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các khoản thu trong nhà trường hiện nay bao gồm: Các khoản thu bắt buộc (học phí công lập, bảo hiểm y tế, quỹ đoàn, đội…), các khoản thu hộ (nước uống, bảng tên, logo, sổ liên lạc, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân…) và các khoản thu tự nguyện (quỹ ban đại diện cha mẹ HS, quỹ khuyến học…). Đối với các khoản thu hộ, trước đây, Sở GD-ĐT cho phép các trường thỏa thuận với cha mẹ HS để thu ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường thu ở mức cao, nếu không thống nhất trong công tác quản lý thì tình trạng lạm thu sẽ còn tiếp diễn. Do vậy, mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động GD ngoài học phí của cơ sở GD mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026. Trong đó, quy định mức thu tối đa cho từng khoản thu ở từng cấp học, phân chia theo khu vực nông thôn và thành thị như: Dịch vụ bán trú, sổ liên lạc điện tử, bảng tên HS, nước uống, trang trí lớp… Việc đưa ra mức thu đã được sở tính toán kỹ trên cơ sở quy định của Bộ GD-ĐT, khảo sát ý kiến cha mẹ HS, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan... trước khi báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua.


Đối với các khoản thu tự nguyện, Sở GD-ĐT cũng có văn bản nghiêm cấm mọi hình thức ép buộc hay bình quân mức đóng góp đối với phụ huynh HS, hoặc để ngoài hồ sơ, sổ sách kế toán đối với tài sản, thiết bị do điều động, cho, tặng… Bên cạnh đó, việc thu, chi dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS hoặc kêu gọi đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo đúng Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại cuộc họp toàn thể cha mẹ HS lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ HS của trường.


Quy định là vậy, nhưng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc thu các khoản tự nguyện dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS vẫn còn bất cập, nhiều nơi thực hiện chưa đúng quy định. Qua kiểm tra, một số cơ sở GD thực hiện việc gây quỹ khuyến học, quỹ ban đại diện cha mẹ HS trùng lặp về đối tượng, hình thức vận động và nội dung chi. Sắp tới, sở sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động thu, chi đầu năm học, việc tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa GD, thực hiện các khoản kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS... ở một số trường. Qua đó, chấn chỉnh, xử lý những cá nhân, đơn vị sai phạm.

 

Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT yêu cầu không được quy định mức kinh phí đóng góp bình quân đối với cha mẹ HS, không được huy động các khoản đóng góp không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS, vệ sinh lớp, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động GD; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của nhà trường...


H.NGÂN