09:08, 26/08/2020

Tránh lạm thu trong trường học

Năm học mới đã gần kề, những khoản thu luôn là mối quan tâm, lo lắng của các phụ huynh học sinh. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn về vấn đề này nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong nhà trường dưới mọi hình thức.

Năm học mới đã gần kề, những khoản thu luôn là mối quan tâm, lo lắng của các phụ huynh học sinh (HS). Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có hướng dẫn về vấn đề này nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong nhà trường dưới mọi hình thức.


Thu đủ, chi đủ


Đầu mỗi năm học, phụ huynh HS thường lo lắng vì phải đóng nhiều khoản, song nhiều người không nắm rõ các khoản được thu và không được thu. Không ít phụ huynh băn khoăn về một số khoản thu dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa”, thu “cào bằng” hoặc không công khai, minh bạch trong thu chi… như đã từng diễn ra ở một số trường.

 

Ảnh minh họa.

Các học sinh tham gia hoạt động giao lưu vở sạch - chữ đẹp do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Tiểu học Lộc Thọ, TP. Nha Trang.


Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, mức thu học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các trường công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2020 - 2021 thực hiện theo Nghị quyết số 32/2016 của HĐND tỉnh. Ngoài học phí, nhà trường được phép thu một số khoản khác như: Tiền dạy thêm, học thêm; tiền thi nghề; tiền mua đồng phục, lễ phục…


Cụ thể, đối với thu tiền dạy thêm, học thêm, ngay từ đầu năm học, nhà trường phải xây dựng phương án thu, chi theo nguyên tắc thu đủ - chi đủ, không có lợi nhuận. Đối với việc thu, chi dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS hoặc kêu gọi đóng góp tự nguyện, các trường phải thực hiện đúng Thông tư số 55/2011 của Bộ GD-ĐT về việc Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS. Trong đó, không được quy định mức kinh phí đóng góp bình quân đối với cha mẹ HS. Mặt khác, không được huy động các khoản đóng góp không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS, bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS, vệ sinh lớp, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của nhà trường... Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ HS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ.


Nhằm phục vụ cho công tác quản lý, các đơn vị thuộc Sở GD-ĐT được phép thống nhất với cha mẹ HS ngay từ đầu năm học (có biên bản) để thu hộ, chi hộ một số khoản như sau: Sổ liên lạc, phù hiệu, giấy thi, giấy kiểm tra trong các kỳ thi, kiểm tra theo đề chung của trường, của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, chỉ được phép lấy thu bù chi, tuyệt đối không vì lợi nhuận. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng lưu ý các trường tránh thu dồn, thu gộp nhiều khoản vào cùng một thời điểm sẽ gây áp lực về kinh tế cho các gia đình.


Nghiêm cấm ép buộc hay bình quân mức đóng góp


Theo ông Võ Hoàn Hải, đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của trường, các trường phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Sở GD-ĐT nghiêm cấm mọi hình thức ép buộc hay bình quân mức đóng góp đối với phụ huynh HS hoặc để ngoài hồ sơ, sổ sách kế toán đối với tài sản, thiết bị do điều động, cho, tặng… Bên cạnh đó, các trường phải thực hiện đúng quy định về quản lý tài sản công, không được tự ý cho thuê, mướn tài sản, thiết bị; không sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích khác như trông giữ xe, mở căng tin...


Để chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý tài chính tại các nhà trường, Sở GD-ĐT nghiêm cấm tình trạng để ngoài sổ sách và báo cáo tài chính đối với tài sản, kinh phí của đơn vị. Bên cạnh đó, các trường không được tự đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn đặc biệt để xây dựng hệ số tính mức chi trả thu nhập tăng thêm; không được sử dụng kinh phí được giao không thực hiện tự chủ để chi trả thu nhập tăng thêm. Các trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định.


H.NGÂN


 



Theo Nghị quyết số 32/2016 của HĐND tỉnh, mức thu học phí mỗi tháng của cấp học mầm non (công lập) đối với khu vực thành thị, nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh lần lượt là: 140.000 đồng, 45.000 đồng, 30.000 đồng; cấp THCS lần lượt là: 60.000 đồng, 35.000 đồng, 25.000 đồng; THPT là 70.000 đồng, 45.000 đồng và 30.000 đồng. Riêng HS tiểu học nhiều năm nay vẫn được miễn học phí.