Nếu như trước đây, nhóm ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng được xem là khối ngành hot, thu hút đông sinh viên hơn các ngành Khoa học xã hội và nhân văn thì hiện nay, cơ cấu các ngành đang có sự thay đổi.
Nếu như trước đây, nhóm ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng được xem là khối ngành hot, thu hút đông sinh viên hơn các ngành Khoa học xã hội và nhân văn thì hiện nay, cơ cấu các ngành đang có sự thay đổi.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động năm 2019, nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn là nhóm ngành đang thu hút một lượng lao động lớn. Từ nay đến năm 2025, mỗi năm, nhóm ngành này cần hơn 8.000 lao động với mức lương không hề thua kém các ngành khác. Sự thiếu hụt lực lượng lao động của khối ngành này, đặc biệt là lực lượng lao động trình độ cao đã đem đến cơ hội lớn cho các thí sinh lựa chọn ngành này.
Thạc sĩ Chu Thị Lộc An - Phó Trưởng khoa, Phụ trách Khoa Khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, khoa học xã hội và nhân văn là một lĩnh vực khá rộng, bao gồm toàn bộ các môn nghiên cứu về các vấn đề, phương diện của xã hội và con người trên thế giới. Vì vậy, ngành này bao gồm nhiều chuyên ngành học khác nhau. Bên cạnh những ngành học cơ bản và truyền thống như: Văn học, Lịch sử, Triết học…, hiện nay có một số ngành mới mang tính ứng dụng thực tiễn cao như: Việt Nam học, Báo chí, Văn hóa, Truyền thông…
Cả nước hiện có hơn 700 tờ báo và tạp chí cùng hàng trăm đài phát thanh truyền hình từ Trung ương tới địa phương. Các cơ quan thông tin, truyền thông cấp tỉnh, huyện, xã cũng luôn cần tuyển dụng đội ngũ chuyên viên trình độ cao. Vì vậy, sinh viên ngành Văn học - Báo chí, truyền thông có cơ hội việc làm rất rộng mở. Tại Trường Đại học Khánh Hòa, nhà trường thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia các chương trình, sự kiện tiêu biểu diễn ra trong tỉnh với vai trò cộng tác viên và tình nguyện viên. Bên cạnh đó, trường cũng mời những nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực phát thanh, truyền hình đến để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên. Ngoài ra, sinh viên của trường còn có cơ hội thử sức và thực hành, thực tập tại các nhà đài, tòa soạn trong và ngoài tỉnh, được tiếp cận với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong quá trình thực hành nghề nghiệp…
Trường Đại học Khánh Hòa là trường đại học đi tiên phong trong việc mở các mã ngành đào tạo về khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn mang tính ứng dụng tại khu vực Nam Trung bộ. Hiện nay, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn của trường đào tạo 3 ngành chính gồm: Việt Nam học (Văn hóa Du lịch); Văn học (Văn học - Báo chí, truyền thông); Văn hóa học (Văn hóa - Truyền thông). Trường có đội ngũ giảng viên hùng hậu và mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu văn học, các cơ quan báo chí ở địa phương và khu vực. Vào các mùa tuyển sinh những năm gần đây, các chuyên ngành này đều thu hút đông thí sinh đăng ký dự tuyển. |
Những năm gần đây, ngành Việt Nam học cũng là một ngành được nhiều thí sinh quan tâm. Ở một số trường, sinh viên ngành này được trực tiếp học tập thông qua tour thực tế về “Việt Nam, đất nước, con người” trên nhiều tỉnh, thành của đất nước. Đồng thời, tham gia các chương trình giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị đối tác về du lịch, văn hóa và làng nghề. Với sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học đào tạo theo định hướng văn hóa du lịch, khi ra trường có thể trở thành cán bộ văn hóa hoặc hướng dẫn viên du lịch…
Ngành Văn hóa học lại hướng đến đào tạo cử nhân có kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, quản lý, tổ chức hoạt động truyền thông trên nền tảng văn hóa, theo dõi và quản lý các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, truyền thông. Sinh viên tốt nghiệp ngành Văn hóa học có thể trở thành chuyên viên phòng, ban chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa, thông tin, truyền thông và các ngành liên quan. Họ cũng có thể trở thành chuyên viên dự báo, lập dự án văn hóa, hoạch định các chính sách về văn hóa, chuyên viên tư vấn xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu về văn hóa, cán bộ truyền thông, nhà báo, nhân viên marketing và thúc đẩy bán hàng tại doanh nghiệp, chuyên viên tổ chức sự kiện...
Có thể nói, điểm nổi bật của sinh viên khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn là được đào tạo, trang bị những kiến thức nền tảng tốt bên cạnh các kiến thức chuyên ngành. Sự đa dạng và đổi mới của ngành này hiện nay đã đem đến cho người học nhiều cơ hội lựa chọn cũng như mở rộng các cơ hội tìm kiếm việc làm ngay cả khi ngồi trên ghế nhà trường và sau khi tốt nghiệp.
T.V