Năm học 2019 - 2020, học bạ điện tử tiếp tục được thực hiện ở một số khối lớp, hướng tới áp dụng đại trà ở tất cả các trường trong những năm tiếp theo.
Năm học 2019 - 2020, học bạ điện tử tiếp tục được thực hiện ở một số khối lớp, hướng tới áp dụng đại trà ở tất cả các trường trong những năm tiếp theo.
Quản lý chặt chẽ hơn
Từ năm học 2017 - 2018, phần mềm sổ điểm điện tử đã được triển khai đại trà ở tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh và mang lại nhiều tiện ích như: Giúp phụ huynh nắm được kết quả học tập của con em mình; đảm bảo chính xác vì mọi thao tác nhập điểm hay sửa điểm ở sổ điểm điện tử đều được lưu vết và hiển thị, hạn chế tiêu cực trong việc xin, sửa điểm; việc tính toán, xếp loại học lực của học sinh (HS) nhẹ nhàng và chính xác hơn so với sổ điểm giấy... Trên cơ sở đó, từ năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai sử dụng học bạ điện tử ở khối 6 và khối 10. Đến năm học 2019 - 2020, học bạ điện tử được áp dụng và tiếp nối ở khối 6, 7 cấp THCS và khối 10, 11 cấp THPT, kể cả các trường vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, học bạ điện tử được tích hợp trong phần mềm sổ điểm điện tử. Hiệu trưởng các trường sẽ tiến hành kiểm tra sổ điểm, sau đó mới xuất sang học bạ điện tử nên đảm bảo tính chính xác và đúng kỳ hạn. Việc sử dụng học bạ điện tử giúp kết nối thông tin đầy đủ và kịp thời giữa lãnh đạo với nhà trường, nhà trường với phụ huynh và HS; giúp cán bộ quản lý các cấp nắm được tình hình dạy và học của các nhà trường kịp thời; mặt khác, sẽ góp phần giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên (GV). Cuối mỗi năm học, nhà trường sẽ in kết quả học tập các môn học và xếp loại học lực, hạnh kiểm của HS trên giấy. Việc trả học bạ (bản in) sẽ thực hiện sau khi HS hoàn thành cấp học hoặc khi HS chuyển trường.
Bà Võ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang) cho biết, qua 1 năm học áp dụng học bạ điện tử, có thể thấy nhiều tiện ích đối với GV và công tác quản lý ở nhà trường. GV bớt vất vả, nhà trường cũng quản lý chặt điểm số của HS, theo dõi xem GV có cập nhật đúng điểm số và nhận xét HS kịp thời hay không. Nếu có HS chuyển trường, nhà trường có thể chuyển trên hệ thống cho trường có HS chuyển đến để tiện trong công tác quản lý điểm.
Từng bước thay cho hồ sơ, sổ sách giấy
Nhằm chuẩn hóa dữ liệu phục vụ in sổ điểm, học bạ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường phải rà soát, cập nhật đầy đủ và chính xác thông tin của HS, đảm bảo mỗi HS chỉ có 1 mã số duy nhất trên hệ thống sổ điểm phục vụ in học bạ trong toàn cấp học. Lãnh đạo các trường phải bảo mật thông tin của phụ huynh, GV và HS; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể việc cập nhật kết quả học tập. GV có trách nhiệm cập nhật đúng kết quả học tập, rèn luyện của HS theo quy định của nhà trường.
Theo ông Nguyễn Sinh Cung, năm học 2019 - 2020 và những năm học tiếp theo, việc áp dụng học bạ điện tử sẽ từng bước được triển khai ở tất cả các khối lớp ở cấp THCS và THPT. Bên cạnh đó, trên cơ sở các ứng dụng của phần mềm SMAS, vnEdu, các trường từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành, phù hợp với điều kiện nhà trường và khả năng thực hiện của GV. Trừ sổ điểm cá nhân bắt buộc phải viết tay các điểm số, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các đơn vị quy định cho GV thực hiện các loại hồ sơ, sổ sách cá nhân; giáo án; phiếu báo giảng... trên máy vi tính (hồ sơ điện tử) thay cho việc in ra giấy. Lãnh đạo các trường phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý chặt chẽ, phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ minh chứng khi được thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, ban hành văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể, khả thi để GV thực hiện các loại hồ sơ, sổ sách. Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử được coi là một trong những nội dung để đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin ở các nhà trường.
H.NGÂN