Sở Giáo dục và Đào tạo vừa triển khai tới các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Trung học cơ sở về những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020 đối với cấp Trung học cơ sở. Những định hướng đưa ra nhằm tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, nâng cao chất lượng dạy và học ở cấp học này.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa triển khai tới các phòng GD-ĐT, trường THCS về những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020 đối với cấp THCS. Những định hướng đưa ra nhằm tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, nâng cao chất lượng dạy và học ở cấp học này.
Kết quả còn hạn chế
Năm học 2018 - 2019, sau 6 năm xét tuyển, học sinh (HS) THCS lại quay lại hình thức thi tuyển vào lớp 10. Kết quả thi không đáp ứng kỳ vọng đã đặt ra nhiều vấn đề trong dạy và học cấp THCS. Cụ thể, trong số 3 môn thi vào lớp 10, môn tiếng Anh có tỷ lệ HS dưới điểm trung bình nhiều nhất với hơn 74%. Trong đó, một số trường như: THCS Hoa Lư, Tiểu học và THCS Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) có 100% HS dưới điểm trung bình.
Tại hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cấp THCS do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến kết quả này như: ít phụ đạo HS yếu; kiểm tra, giám sát tình hình dạy học, đánh giá HS ở các trường chưa nghiêm túc; một số đơn vị còn chạy theo chỉ tiêu; việc phân luồng HS sau THCS còn yếu; một số nơi, năng lực của giáo viên còn hạn chế, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, phương pháp giảng dạy còn lạc hậu…
Lãnh đạo Sở GD-ĐT thừa nhận những hạn chế rõ ràng trong việc dạy và học cấp THCS. Đó là việc tổ chức hoạt động trải nghiệm chưa đều khắp; việc xây dựng các bài học liên môn chỉ mới tập trung ở một số môn, chất lượng bài học chưa cao; việc giảng dạy lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống còn mang tính gượng ép, trình diễn, chưa bao quát tất cả đối tượng HS. Trong việc tự chủ của các trường, đa số các trường vẫn xây dựng kế hoạch dạy học rập khuôn theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, chưa phù hợp với thực tế địa phương, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của mình.
Nhiều lãnh đạo trường THCS cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề chất lượng HS lớp 5 được bàn giao lên lớp 6. Việc đánh giá chất lượng HS lớp 5 chưa đầy đủ đã dẫn đến hiện tượng “ngồi nhầm lớp” ở một số nơi. Tuy nhiên, việc kiểm tra HS để có hướng dạy học hợp lý lại vướng quy định của Bộ GD-ĐT về việc không khảo sát HS lớp 6.
Cần các giải pháp đồng bộ
Từ việc nhìn nhận những hạn chế trên, Sở GD-ĐT đã có thông báo tới các phòng GD-ĐT, trường THCS về những nhiệm vụ tập trung triển khai trong năm học tới. Theo đó, các phòng GD-ĐT cần chỉ đạo các trường THCS tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và điều kiện của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt việc tuyên truyền cho cha mẹ HS và HS về công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng sau THCS.
Bên cạnh đó, các trường trực thuộc cần nghiêm túc đánh giá HS tiểu học đảm bảo đúng chất lượng qua mỗi khối lớp; có hình thức phân hóa HS ngay từ đầu năm học để tổ chức dạy học phù hợp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng HS từ khâu ra đề, coi thi, chấm kiểm tra.
Các trường thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm; dạy học 2 buổi/ngày. Mỗi trường cần thực hiện nghiêm túc cam kết chất lượng của mỗi bộ môn, mỗi lớp học và đầu ra của mỗi nhà trường; xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát chất lượng giáo dục, không đăng ký chất lượng giáo dục một cách hình thức. Các tổ, nhóm chuyên môn cần xây dựng kế hoạch dạy học đáp ứng tốt việc phát triển năng lực của HS, phân loại từng đối tượng; xây dựng kế hoạch phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ, nhóm chuyên môn cần xây dựng, bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi tự luận, trắc nghiệm ở mỗi bộ môn; xây dựng các chủ đề sinh hoạt chuyên môn. Sau mỗi bài kiểm tra định kỳ, cần có sự phân tích, đánh giá kết quả và tìm ra biện pháp khắc phục. Sở cũng chỉ đạo về việc tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, động viên, khuyến khích việc dạy và học ngoại ngữ.
Theo ông Lê Đình Thuần - Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn việc thực hiện chuyên môn cho các cơ sở giáo dục; trong đó hướng dẫn việc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch giáo dục ở mỗi nhà trường. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời công tác chuyên môn; phát huy vai trò đội ngũ giáo viên cốt cán để hỗ trợ chuyên môn cho các trường. Sở cũng sẽ xây dựng bộ đề để giúp các trường khảo sát chất lượng HS và tổ chức dạy học phân hóa phù hợp, ban hành văn bản hướng dẫn nội dung ôn tập, cấu trúc đề thi minh họa cho HS cuối cấp.
H.NGÂN