09:08, 14/08/2019

Nỗ lực để trẻ được đến trường

Cứ gần vào năm học mới, thầy cô giáo tại các trường từ tiểu học đến Trung học phổ thông ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại một mối lo chung, đó là tình trạng học sinh bỏ học sau hè.

Cứ gần vào năm học mới, thầy cô giáo tại các trường từ tiểu học đến THPT ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại một mối lo chung, đó là tình trạng học sinh (HS) bỏ học sau hè.


Những ngày này, nhiều thầy cô ở các điểm trường tại huyện Khánh Vĩnh phải lặn lội đến tận nhà hay lên rẫy để tìm gặp và vận động HS trở lại trường vào năm học mới. Theo thầy Nguyễn Minh Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Văn Bé, xã Khánh Phú, để vận động được HS trở lại trường, có những thầy cô ngày nào cũng phải đến nhà, thậm chí lên rẫy bẻ bắp, làm cỏ cùng phụ huynh. Giáo viên đi vận động HS ra lớp cũng như người làm công tác dân vận, phải hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán của người dân, tạo được thiện cảm với gia đình thì họ mới nghe theo.

 

Trường THCS Cao Văn Bé bồi dưỡng,  nâng cao chất lượng học sinh trong dịp hè.

Trường THCS Cao Văn Bé bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học sinh trong dịp hè.

 

Từ năm 2016, nhằm cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày và bán trú, nội trú cho HS tiểu học, THPT và sinh viên dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng bếp ăn; 100% trường mầm non ở 2 địa bàn trên được cấp kinh phí tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ dân tộc thiểu số từ 3 đến 5 tuổi với mức 290.000 đồng/tháng/trẻ. HS dân tộc thiểu số, tùy theo cấp học và nơi học đều được tỉnh hỗ trợ tiền sinh hoạt, học bổng hàng tháng. Tỉnh cũng thành lập Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh và Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn.

Ông Trần Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Vĩnh cho biết, tình trạng HS miền núi thường xuyên bỏ học sau hè là thách thức không nhỏ của nhà trường và chính quyền các địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đặc thù huyện miền núi, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình, hoặc do nhà ở xa trường, đi lại khó khăn. Phòng đã chỉ đạo các điểm trường tăng cường tổ chức vận động HS ra lớp. Dựa trên thông tin nắm bắt được từ cơ sở, giáo viên đến từng khu dân cư vận động phụ huynh nhắc nhở con em đi học đúng thời gian quy định.


Công tác vận động HS ra lớp là nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục huyện Khánh Sơn triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Tấn Lâm - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn cho biết, ngay từ đầu tháng 8, phòng đã chỉ đạo cho các trường phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, nhắc nhở phụ huynh động viên con em đến trường học tập theo đúng thời gian quy định. Những HS học yếu, thiếu môn, thiếu điểm thì phải tổ chức ôn tập, kiểm tra lại, giúp các em được bổ trợ kiến thức và đủ điều kiện lên lớp, đảm bảo duy trì đủ sĩ số từng lớp và cơ số lớp khi bước vào năm học mới. Đến nay, các trường đã cơ bản hoàn thành công tác dạy tăng cường tiếng Việt cho HS con em đồng bào dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1.


Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, dù đã tích cực vận động, song tại một số địa bàn huyện và trường học, số lượng HS bỏ học sau hè vẫn còn. Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác vận động HS ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ HS bỏ học sau hè.


THANH TRÚC