10:06, 21/06/2019

Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát kỹ đội ngũ tham gia tổ chức thi THPT

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với 7 nội dung quan trọng nhất. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với 7 nội dung quan trọng nhất.   

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu rà soát kỹ nhân lực tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ẢNH NGỌC THẮNG
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu rà soát kỹ nhân lực tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ẢNH NGỌC THẮNG

 

Theo nội dung công điện của người đứng đầu ngành GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27.6. Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng và an toàn, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo sở GD-ĐT và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tập trung thực hiện tốt 7 công việc quan trọng.
 
Thứ nhất, rà soát kỹ lưỡng cán bộ tham gia tổ chức thi bảo đảm số lượng và yêu cầu chất lượng. Tiếp tục quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; phân công rõ nhiệm vụ và quyền hạn của từng cán bộ trong từng khâu tổ chức thi;... xử lý kỷ luật nghiêm khắc cán bộ coi thi, thanh tra thi có hành vi vi phạm quy chế thi cũng như quy trình tổ chức kỳ thi.
 
Thứ hai, tiếp tục triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra sai sót; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, sử dụng đề thi cũng như trong quá trình vận chuyển, lưu giữ đề thi, bài thi.
 
Thứ ba, rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác chấm thi (nhất là chấm thi trắc nghiệm) và công tác coi thi tại các điểm thi thuộc hội đồng thi (nhất là các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, các điểm thi đặt tại trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, các điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng,… có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ điểm thi); bảo đảm an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đi lại, nơi ăn ở cho cán bộ, giáo viên, nhất là giảng viên các trường đại học, cao đẳng về làm thi tại địa phương.
 
Thứ tư, có phương án phù hợp để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường để đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi và cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi. Có phương án hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm thi; tuyệt đối không để thí sinh nào vì khó khăn mà không thể dự thi.
 
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của ngành công an để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các thiết bị, vật dụng trái phép mang vào phòng thi, nhất là các thiết bị công nghệ cao sử dụng vào mục đích gian lận; xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực hoặc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, góp phần đảm bảo kỷ cương và công bằng trong kỳ thi.
 
Thứ sáu, tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
 
Thứ bảy, rà soát kỹ lưỡng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh an toàn thực phẩm và cung cấp điện, nước tại tất cả các điểm thi; tăng cường công tác truyền thông để phổ biến quy chế thi và các quy định của pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử, nhất là tiêu cực, gian lận có tổ chức; thường xuyên báo cáo ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về tình hình tổ chức kỳ thi tại địa phương và những vấn đề phát sinh (nếu có).
 
Theo Thanh niên