Sau nhiều năm xét tuyển, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 quay lại hình thức thi tuyển với rất nhiều điểm mới. Đến giờ này, bức tranh toàn cảnh của kỳ thi đã hình thành để vào ngày 4 và 5-6, các thí sinh (trừ 2 huyện miền núi) sẽ bước vào kỳ thi tuyển.
Sau nhiều năm xét tuyển, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 quay lại hình thức thi tuyển với rất nhiều điểm mới. Đến giờ này, bức tranh toàn cảnh của kỳ thi đã hình thành để vào ngày 4 và 5-6, các thí sinh (trừ 2 huyện miền núi) sẽ bước vào kỳ thi tuyển.
Né các trường top trên
Tương tự những năm trước, học sinh (HS) đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn có xu hướng tránh các trường top trên. Tại TP. Nha Trang, Trường THPT Lý Tự Trọng (chỉ tiêu 630 HS) có 482 HS đăng ký nguyện vọng 1, đồng thời có 402 HS đăng ký vào trường này nếu không trúng tuyển Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (chỉ tiêu không tính số HS lớp tiếng Pháp là 571 HS) có 599 HS đăng ký nguyện vọng 1, đồng thời có 120 HS đăng ký vào trường nếu không trúng tuyển trường chuyên.
Số lượng đăng ký ít, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là 2 trường tập trung đông thí sinh là HS giỏi nên vẫn có tính cạnh tranh cao. Số HS vừa đăng ký nguyện vọng 1 vào 2 trường nói trên vừa đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn rất đông. Vì vậy, sau khi trừ đi 280 HS trúng tuyển trường chuyên, các HS không trúng tuyển sẽ dồn về tham gia xét tuyển vào Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi và một số trường khác. Theo thầy Huỳnh Vĩnh Khang - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, việc thi tuyển sẽ đánh giá đúng năng lực thực chất của HS nên trong quá trình đăng ký, HS phải nhờ sự tư vấn của thầy cô để biết được lực học của mình, từ đó có lựa chọn phù hợp. Số HS đăng ký dự tuyển vào trường ít hơn năm ngoái do nhiều em có tâm lý sợ rớt nên chọn trường có điểm chuẩn mọi năm thấp.
Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, dù số lượng đăng ký đã giảm so với đợt đăng ký đầu tiên, nhưng đây vẫn là trường có tỷ lệ “chọi” cao, với 1.079 HS đăng ký/630 chỉ tiêu. Thầy Nguyễn Duy Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các HS chọn vào trường nào cũng phải có sự cân nhắc kỹ dựa trên sự tìm hiểu, tham khảo của các em và phụ huynh đối với ngôi trường đó, đồng thời phải phù hợp với học lực. Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là trường phải phù hợp với vị trí địa lý. Trường THPT Hoàng Văn Thụ là trường duy nhất nằm ở phía bắc TP. Nha Trang, điểm chuẩn hàng năm cũng không quá cao nên có đông HS đăng ký”.
Các trường còn lại của TP. Nha Trang cũng có số đăng ký dự tuyển cao so với chỉ tiêu. Hà Huy Tập 881 HS đăng ký/504 chỉ tiêu, Phạm Văn Đồng 838 HS đăng ký/504 chỉ tiêu. Tính chung tổng chỉ tiêu của TP. Nha Trang là 2.839 HS (chưa tính HS lớp tiếng Pháp), tổng số đăng ký dự tuyển là 4.490 HS. Sau khi trừ số HS trúng tuyển trường chuyên, thành phố sẽ có khoảng 1.300 HS không được vào học công lập.
Ở các địa phương khác, HS cũng có xu hướng né các trường THPT có điểm chuẩn cao hàng năm như: Phan Bội Châu (TP. Cam Ranh), Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa), Huỳnh Thúc Kháng (huyện Vạn Ninh), Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh), Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm). Tỷ lệ “chọi” ở các trường này thấp hơn nhiều so với các trường khác trên cùng địa bàn, thậm chí có trường số HS đăng ký thấp hơn chỉ tiêu tuyển mới. Tương tự những năm trước, các trường xa trung tâm huyện lỵ có số HS đăng ký dự tuyển thấp như: Tôn Đức Thắng (thị xã Ninh Hòa) chỉ có 249 HS đăng ký/336 chỉ tiêu, Trần Quý Cáp (thị xã Ninh Hòa) 543 HS đăng ký/588 chỉ tiêu, Tô Văn Ơn (huyện Vạn Ninh) 501 HS đăng ký/504 chỉ tiêu. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, sau khi có điểm chuẩn trúng tuyển, sở sẽ có những giải pháp cụ thể để điều hòa số lượng đầu vào của các trường trên cùng địa bàn.
Chuẩn bị tốt cho kỳ thi
Toàn tỉnh có 14.246 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10 (tính cả Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn), cao hơn 2.050 HS so với chỉ tiêu 12.196 HS. Tỷ lệ tuyển chiếm 85,6% so với tổng số HS đăng ký. |
Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên tỉnh quay lại hình thức thi tuyển vào lớp 10 sau 6 năm xét tuyển nên Sở GD-ĐT đã sớm có các phương án chủ động trong công tác tổ chức kỳ thi. Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết, căn cứ vào số liệu HS lớp 9 của từng địa bàn, sở đã dự kiến số lượng hội đồng thi, điểm thi, phòng thi để chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất cho công tác ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi. Phần mềm tuyển sinh lớp 10 đã được xây dựng để áp dụng cho công tác tuyển sinh năm học này. Được UBND tỉnh phê duyệt, Sở GD-ĐT đã mua thêm 2 máy in siêu tốc phục vụ công tác in sao đề thi. Ngày 9-5, Sở GD-ĐT đã làm việc với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh về phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.
Số lượng thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tương đương với số tham dự kỳ thi THPT quốc gia nên về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác coi thi, chấm thi sẽ bảo đảm và không gặp khó khăn. Ngay sau khi kết thúc giai đoạn 1 đăng ký dự tuyển vào lớp 10 (ngày 14-5), Sở GD-ĐT đã triển khai lấy danh sách giáo viên làm nhiệm vụ coi thi từ các phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc sở. Ngày 28-5, sở sẽ tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ coi thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Ngày 4 và 5-6, các sĩ tử lớp 9 (trừ 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn áp dụng phương thức xét tuyển) sẽ bước vào kỳ thi tuyển lớp 10 với 3 môn: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh. Năm nay, quy định tuyển sinh yêu cầu trường nào cũng phải dành tối đa 5% chỉ tiêu để xét tuyển nguyện vọng 2 nên các HS giỏi thực sự sẽ có thêm cơ hội được vào trường công lập.
Xây thêm trường để giảm tải
Từ bức tranh tổng thể về kỳ thi tuyển năm nay, có thể thấy, gốc rễ vấn đề vẫn là phải đầu tư thêm cơ sở để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao. Nha Trang là địa phương có tỷ lệ HS được vào lớp 10 công lập hàng năm thấp nhất tỉnh. Tuy nhiên, đây lại là địa phương duy nhất của tỉnh có hệ thống trường THPT ngoài công lập. Theo bà Hoàng Thị Lý, việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh mới phải tính chung cho cả công lập và ngoài công lập để đảm bảo phù hợp với định hướng phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS và chủ trương tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Số HS không trúng tuyển vào các trường THPT công lập sẽ học tại các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp hoặc các trường trung cấp nghề trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc xây dựng thêm trường, lớp nhằm đảm bảo nhu cầu học tập, giảm tải cho các trường trong mỗi mùa tuyển sinh cũng như tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho HS trên địa bàn TP. Nha Trang là rất cần thiết. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh cho triển khai thực hiện 2 dự án trường THPT. Trong đó, Trường THPT Phạm Văn Đồng đã được UBND tỉnh cho phép thực hiện giai đoạn 2 (tại Quyết định số 1434 ngày 15-5-2019) với quy mô xây mới 23 phòng học, các phòng bộ môn: Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2 là 44,42 tỷ đồng; năm 2019 đã bố trí được 15 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2020 - 2021.
Bên cạnh đó, dự án Trường THPT Vĩnh Lương đã được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư và đã được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thông qua kết quả thẩm tra tại cuộc họp ngày 3-5, sẽ trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp vào tháng 6 tới. Dự án có tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng, quy mô 32 lớp, 1.280 HS, đáp ứng nhu cầu học tập cho HS các trường THCS phía bắc TP. Nha Trang như: Nguyễn Công Trứ, Lý Thái Tổ, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Viết Xuân và 1 trường của xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa là THCS Võ Thị Sáu. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2020 và đưa vào sử dụng trong năm học 2021 - 2022 với năm đầu tuyển mới 498 HS/12 lớp.
H.NGÂN