15 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Giao Điểm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang) được nhiều học sinh và phụ huynh cảm mến bởi tấm lòng tận tâm với học trò.
15 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Giao Điểm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang) được nhiều học sinh (HS) và phụ huynh cảm mến bởi tấm lòng tận tâm với học trò.
Học trò cũng là con
Giờ ôn tập Toán lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang, cô Điểm viết lên bảng bài Đường thẳng và mặt phẳng song song, còn hai chục học trò vẫn nhốn nháo. Không quát mắng, cô ôn tồn đọc đề tìm thiết diện của 1 mặt phẳng với hình chóp, rồi đi từng bàn, nhắc em này tập trung, chỉ em kia cách vẽ đường trung tuyến, uốn nắn cả cách đặt thước. Nhưng một HS ngỗ nghịch vẫn kêu khó, than không biết vẽ tứ giác, không xác định được mặt phẳng giao cắt. Cô Điểm kiên nhẫn chỉ bảo, rồi nhắc: “Chưa hiểu thì phải đọc 2 - 3 lần. Cô chỉ rồi mà chưa vẽ được thì phải về tập vẽ thêm, tập vẽ hình đơn giản trước”. Quanh lớp có tiếng cười khúc khích. Cậu HS mắc cỡ vì định chọc cô, bỗng lại thành “ HS cấp 1”! Quay sang bạn khác, cô động viên: “Cứ làm đi, sai cũng được, rồi cô sửa, phải tự làm thì khi cô sửa mới nhớ”... Cứ thế, giờ dạy trôi qua trong ồn ào nhưng kiên nhẫn và ấm áp. Các em đều thoải mái vì có thể chọc cô, hỏi cô mọi khúc mắc, không giấu dốt.
“HS ở đây tội lắm, nhiều em thiếu thốn cả vật chất và tình cảm, nên mình phải thương, yêu chúng nhiều hơn, như con mình vậy”, cô Điểm trải lòng. Suy nghĩ đó đã giúp cô khắc phục cảnh nhà neo người, làm tròn nhiệm vụ giảng dạy. Chồng cô thường xuyên đi công tác, ông bà nội đã mất, ông bà ngoại già, lại ở quê. Để có thể dạy tối theo đặc thù trung tâm, cô Điểm đành để 2 con ở nhà tự trông nhau để đi dạy 3 - 4 tối/tuần (tổng cộng 25 tiết/tuần). Cô rưng rưng: “Có tối dạy xong 22 giờ, các con đã ngủ gục. Có lần dạy về, anh lớn phàn nàn, em không cho học bài, cứ bắt chơi cùng. Lần khác, mẹ dạy về muộn, anh lớn đã ngủ, cậu út ra tận cổng đón, vừa khóc vừa nói: Con buồn ngủ lắm rồi mà chờ mãi mẹ chưa về!”.
Xúc động khi nghĩ đến các con, nhưng cô lại hào hứng ngay khi nói về học trò. Cô bảo, đôi lúc cũng nản, vì các em hổng kiến thức nhiều, dạy mãi không hiểu; nhưng nghĩ đến hoàn cảnh từng em, cô lại tự động viên phải cố gắng hơn.
Thắm thiết tình thầy - trò
Bà P.T.K.T., mẹ của em P.Đ.N. (huyện Diên Khánh) nhớ lại, 6 năm trước, bà bị bạo bệnh, tưởng không qua khỏi, nên phải gửi N. cho người khác chăm sóc. Khi bà khỏi bệnh cũng là lúc N. từ một HS giỏi liên tục 9 năm, đã mắc phải hội chứng tự kỷ. 3 năm tiếp theo, N. học ngày càng tệ bởi không ai biết cách gần gũi em. Năm học lớp 12, N. bỏ thi tốt nghiệp. Bà đã xin cho N. học lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang, những mong con có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng rồi mẹ của bà lâm trọng bệnh, bà phải vào TP. Hồ Chí Minh chăm sóc và một lần nữa lại phải đi gửi N. “Đến khi N. học xong, tôi vẫn chưa hề gặp trực tiếp cô Điểm. Nhưng cô vẫn lo lắng cho cháu từng chút một. Cô còn trả giùm học phí cho cháu mà không hề nhắc tôi. Tiền điện thoại mà cô gọi cho tôi để trao đổi cách hỗ trợ cháu có lẽ đến hàng triệu đồng. Vậy mà chưa khi nào cô khó chịu, luôn ý tứ, tế nhị động viên tôi”, bà T. tâm sự.
Thầy Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang: Cô Điểm có chuyên môn tốt, công tác chủ nhiệm tận tụy, tận tâm, thương yêu HS, xây dựng được tinh thần đoàn kết trong cơ quan. Nhiều phụ huynh rất cảm kích tấm lòng của cô, từng viết thư cảm ơn. Năm học vừa qua, cô Điểm được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. |
N. là HS thông minh. Giờ học trên lớp, trong khi nhiều bạn chưa nắm được bài, cô Điểm phải giảng đi giảng lại, thì N. đã hiểu ngay, nhưng em lại khó gần mọi người. Cô Điểm vẫn nghĩ, nếu tất cả cùng cố gắng, N. sẽ hòa nhập như xưa. Vì vậy, mỗi khi em nghỉ học bất chợt, cô lại liên hệ nhà chùa để tìm nguyên nhân và động viên em. Thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp, em không tới lớp, không liên hệ được, cô phải viết thư tay cho mẹ. Ngày đến hạn cuối nộp hồ sơ, cô đi tìm N. rồi chở thẳng tới trường, hỏi nguyện vọng, hướng dẫn em ghi hồ sơ và cho mượn tiền nộp lệ phí.
Bà T. nói đầy da diết: “Bây giờ, N. đã vào đại học. Tôi không chỉ muốn cảm ơn cô Điểm mà còn muốn nói hình ảnh cô đã nhen trong tôi hy vọng mới. Tôi mong tấm gương này được tỏa sáng”. Còn cô Điểm thì khẳng định, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang, các thầy cô đều thương yêu, hết lòng với học trò. Riêng cô, niềm vui lớn nhất là khi được nghe N. nói giản dị: “Cô Điểm thương con”.
15 năm qua, dù ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Vạn Ninh hay Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang, mỗi dịp 20-11, cô Điểm lại có thêm những món quà đơn sơ: một bài hát cả lớp hát tặng, quyển sổ, cây bút, những ngôi sao giấy tự gấp hay bông hồng. Trong đó, có một bức tranh chữ “Ơn cô” do các em lớp 12 dành suốt mấy tháng cùng thêu tặng. Em Nguyễn Thị Phương Mai - HS lớp 11 tâm sự: “Em học cô Điểm từ năm lớp 10. Cô rất yêu chúng em, luôn sẵn sàng giảng lại nếu HS chưa hiểu. Em coi cô như mẹ của em vậy”.
TIỂU MAI