11:02, 13/02/2019

Trường Đại học Nha Trang: Phát huy thế mạnh nghiên cứu thủy sản

Song song với giảng dạy, nhiều năm qua, Trường Đại học Nha Trang cũng chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt ở lĩnh vực thủy sản. Nhiều công trình nghiên cứu của trường đã đem lại hiệu quả.

Song song với giảng dạy, nhiều năm qua, Trường Đại học (ĐH) Nha Trang cũng chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt ở lĩnh vực thủy sản. Nhiều công trình nghiên cứu của trường đã đem lại hiệu quả.


Nhiều công trình khoa học


Năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ phế liệu tôm để ứng dụng trong nông nghiệp mà Trường ĐH Nha Trang thực hiện từ năm 2014 đã có thêm kết quả khả quan. Nghiên cứu về hỗn hợp caroten-protein; chitosan hòa tan trong nước và việc xây dựng các quy trình sử dụng hỗn hợp caroten-protein để nuôi cá hồi; quy trình sử dụng chitosan để bảo quản chống oxy hóa lipid cho cá tra khô tẩm gia vị; xây dựng hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp chitin, chitosan, carotene-protein từ phế liệu tôm… đã được ứng dụng tại Công ty Cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), cơ sở chế biến phụ phẩm hải sản (huyện Cam Lâm). Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ để thương mại hóa sản phẩm.

 

Giảng viên nhà trường hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm.

Giảng viên nhà trường hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm.


Nhiều nghiên cứu khác về thủy sản của nhà trường cũng được ứng dụng hiệu quả. Công trình hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng (giai đoạn 2012 - 2015) là ví dụ. Quy trình công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng ở quy mô đại trà đã cho tỷ lệ sống của cá bố mẹ 90%. Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp cũng đạt tỷ lệ sống 60% giai đoạn nuôi cỡ 1,5 - 2g lên cỡ 50 - 70g và đạt 80% ở giai đoạn nuôi lớn. Các nghiên cứu này đã được thực hiện tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên... Hiện nay, cá giống chim vây vàng được cung cấp với số lượng lớn tại khu vực Nam Trung bộ.


Năm 2012 và 2014, nhà trường được Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng giao hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Trường đã cho ra công thức thức ăn cho 2 loài tôm hùm ở 2 giai đoạn giống và thương phẩm; quy trình công nghệ hoàn thiện sản xuất thức ăn công nghiệp cho 2 loài này; dây chuyền sản xuất thử có công suất 100kg/giờ; sản xuất được 10 tấn thức ăn tôm hùm giai đoạn giống và 80kg thức ăn tôm hùm giai đoạn thương phẩm. Thức ăn từ dự án đã được sử dụng tại các vùng nuôi tôm hùm ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hiện nay, trường tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi tôm hùm và cá chim vây vàng tại Khánh Hòa.


Tiếp tục phát huy

 

Trường ĐH Nha Trang hiện có 21 giáo sư, phó giáo sư; 126 tiến sĩ; 347 thạc sĩ; 123 kỹ sư, cử nhân; 107 cán bộ, viên chức đang làm nghiên cứu sinh và học cao học ở trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011 - 2018, trường đã triển khai 14 đề tài cấp nhà nước; 33 đề tài, dự án cấp bộ; 29 đề tài, dự án với các địa phương; 12 đề tài, dự án quốc tế; 121 đề tài cấp cơ sở; công bố gần 1.000 bài báo trên các tạp chí trong, ngoài nước.

Theo TS. Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Nha Trang), để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, Trường ĐH Nha Trang đã thiết lập quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là ở Khánh Hòa và các tỉnh có nghề cá, để qua đó tiếp nhận thông tin về nhu cầu chuyển giao khoa học công nghệ. Hàng năm, trường ký hàng chục hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ với ngành thủy sản các tỉnh. Nhiều đơn vị trong và ngoài ngành thủy sản đã cấp học bổng cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên thực tập tốt nghiệp, tiếp nhận sinh viên mới tốt nghiệp...


PGS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung, nhà trường đã triển khai nhiều nghiêu cứu về thủy sản từ rất sớm. Nhưng để các nghiên cứu được ứng dụng thành những sản phẩm giá trị, nhà trường phải trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, thử nghiệm, hợp tác chuyển giao công nghệ. Thống kê cho thấy, ở Việt Nam, hàng năm, tổng phụ phẩm thủy sản lên đến hàng triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu còn lại rất tốt cần được ứng dụng khoa học công nghệ để trở thành các sản phẩm giá trị gia tăng trong nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ sinh học, dược phẩm… Trước đây, nhà trường tập trung nghiên cứu nhiều về phụ phẩm tôm và đã có những công trình mang lại hiệu quả. Gần đây, trường tiếp tục nghiên cứu về phụ phẩm cá tra, cá ngừ, cá chẽm, góp phần thiết thực phát triển ngành thủy sản Việt Nam.


TIỂU MAI