Việc lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong vài năm trở lại đây đang từng bước đi đúng hướng, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Việc lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên (HS-SV) người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh trong vài năm trở lại đây đang từng bước đi đúng hướng, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Việc chọn ngành nghề đi đúng hướng
Năm học này, toàn tỉnh có 816 HS-SV người DTTS theo học tại 38 trường trung cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước; trong đó, có 266 em bắt đầu vào học năm thứ nhất. Riêng HS người DTTS học theo chế độ cử tuyển có 17 em. Các ngành nghề HS-SV theo học rất đa dạng như: sư phạm, kinh tế, luật, y tế, kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nông lâm, hành chính, an ninh... Đáng quan tâm, vài năm trở lại đây, việc lựa chọn ngành nghề của HS-SV đã từng bước đi đúng hướng, phù hợp với nhu cầu xã hội. Cụ thể, số HS-SV theo học ngành sư phạm năm học 2018 - 2019 chỉ còn 90 em, chiếm tỷ lệ 11%, giảm 22 em (tương đương 5,4%) so với năm học trước. Ngược lại, số HS-SV theo học ngành y dược có 65 em, chiếm 8%, tăng 25 em (tương đương 6,1%). Các ngành kỹ thuật có tới 293 em theo học, chiếm gần 36%, tăng 26% so với năm trước.
Kết quả học tập của HS-SV cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá có tiến bộ so với trước. Trong tổng số 816 em, có 103 SV đại học (chiếm 12,6%), 96 SV cao đẳng (chiếm 11,8%), 617 HS trung cấp, trung cấp nghề (chiếm 75,6%). Số HS-SV đạt kết quả học tập khá, giỏi năm học 2017 - 2018 là 197 em, trong đó có 21 em giỏi, tăng 16 em so với năm học 2016 - 2017.
Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của các HS-SV phải kể đến các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh. Ngoài các chế độ, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh đã có các chủ trương, chính sách riêng, phù hợp với tình hình thực tế đồng bào các DTTS đang sinh sống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Sở GD-ĐT đã thực hiện chế độ cho HS-SV DTTS với tổng kinh phí 1,96 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 02/2015 HĐND tỉnh cho HS-SV người DTTS học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp không do địa phương quản lý là hơn 1,45 tỷ đồng; thực hiện chế độ học bổng, sinh hoạt phí, học phí cho SV đi học tại các trường đại học theo chế độ cử tuyển 508 triệu đồng.
Tiếp tục quan tâm
Theo bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, những kết quả đạt được cho thấy công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông; việc chăm lo học hành cho con em đồng bào DTTS ở các huyện miền núi ngày càng được quan tâm đúng mức, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành nghề khác nhau phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi của tỉnh.
Trong số các HS-SV người DTTS đã tốt nghiệp, nhiều em đã trở về công tác, xây dựng quê hương. Như em Cao Thị Nghiêm - người dân tộc Raglai, tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nhà nước tháng 10-2018 tại Trường Đại học Quy Nhơn đã vượt qua kỳ thi tuyển công chức năm 2018 do tỉnh tổ chức và trở về quê hương Khánh Sơn công tác. Nghiêm chia sẻ: “Trong những năm còn học phổ thông, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Nhà có đông anh em, em luôn ý thức rằng chỉ có cố gắng, nỗ lực trong học tập mới có tương lai tốt đẹp. Khi còn đi học, sự quan tâm về tinh thần và vật chất của các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành đã giúp em vượt qua khó khăn, thực hiện được mơ ước”.
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh” đã được UBND tỉnh phê duyệt, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS người DTTS là một trong những nội dung quan trọng. Theo ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng HS DTTS. Trong đó chú trọng cung cấp cho các em những thông tin cụ thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động để các em tham khảo khi lựa chọn ngành nghề. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho HS DTTS. Sở cũng sẽ tiếp tục triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống phù hợp và các hoạt động lao động sản xuất cải thiện đời sống cho HS người DTTS...
H.NGÂN