Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh vừa triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng khó khăn.
Được quan tâm đầu tư
Hai năm học trở lại đây, diện mạo Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Khánh Sơn đã có sự “lột xác”. Với nguồn vốn đầu tư xây mới 57 tỷ đồng, trường với khuôn viên rộng 17.000m2 đã có cơ sở vật chất khang trang, từ các phòng học, nhà đa năng cho đến khu nội trú học sinh, nhà bếp, nhà ăn… Các trang thiết bị dạy học hiện đại cũng được đầu tư đồng bộ.
Với Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Trường PTDTNT tỉnh và hệ thống các trường PTDTNT ở các địa phương khác cũng đã được xây dựng bổ sung để đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 trường PTDTNT với 37 lớp, 1.035 học sinh. Chất lượng dạy và học được Sở GD-ĐT đánh giá có chiều hướng phát triển tốt.
Bên cạnh đó, Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh cũng góp phần nâng cao chất lượng GD vùng DTTS. Tỷ lệ trẻ được huy động ra lớp tăng lên. Các trường tổ chức tốt việc ăn trưa bán trú, dạy học 2 buổi/ngày; dạy tăng thời lượng tiếng Việt trong năm học và đổi mới các hình thức tổ chức lớp học phù hợp để tạo hứng thú cho học sinh.
Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh DTTS, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được triển khai kịp thời. Trẻ mẫu giáo, học sinh các cấp đều được hỗ trợ tiền, trang phục và được hưởng chế độ học bổng tùy đối tượng và cấp học. Đối với giáo viên, ngoài các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước, giáo viên đang công tác tại các trường THPT và trung tâm GD thường xuyên - hướng nghiệp của 2 huyện miền núi còn được tỉnh hỗ trợ tiền thuê nhà ở 700.000 đồng/tháng (hưởng trong 5 năm).
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Tuy đã được quan tâm, song cơ sở vật chất trường học ở nhiều vùng DTTS, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Do mạng lưới trường học phân tán nhiều điểm trường, việc quản lý và dạy học ở các điểm trường phụ còn nhiều khó khăn nên chất lượng không đảm bảo. Trang thiết bị các phòng thí nghiệm, thực hành ở nhiều nơi còn thiếu thốn, tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học, đi học chưa chuyên cần vẫn diễn ra. Đội ngũ giáo viên của các trường lại thường xuyên biến động do phải thay đổi và luân chuyển hàng năm...
Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng GD Trung học - GD Thường xuyên Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2018 - 2019, ngành sẽ rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở GD vùng DTTS, miền núi để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS đến trường và nâng cao chất lượng GD. Trong đó, đối với cấp học mầm non và tiểu học, khi sắp xếp, sáp nhập, dồn dịch các trường học, điểm lẻ phải bảo đảm yếu tố nhân văn, trẻ phải được theo học ở gần bố mẹ, gia đình. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường. Hiện nay, sở phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây mới Trường PTDTNT Ninh Hòa đã được HĐND tỉnh đưa vào nghị quyết đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng GD vùng DTTS, miền núi là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo. Sở sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu, giúp đỡ về chuyên môn cho giáo viên ở trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc, GD học sinh DTTS. Đồng thời, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung hoặc qua mạng. Mặt khác, tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động GD kỹ năng sống, GD đặc thù, GD ngoài giờ chính khóa, công tác học sinh nội trú, bán trú phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh DTTS, văn hóa dân tộc và tri thức địa phương...
T.VIỆT