Do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không cộng điểm nghề phổ thông kể từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, thời gian qua, rất ít học sinh Trung học cơ sở đăng ký học nghề.
Do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc không cộng điểm nghề phổ thông kể từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, thời gian qua, rất ít học sinh (HS) THCS đăng ký học nghề.
Không tổ chức thi nghề vì quá ít học sinh
Ở cấp THCS, việc học nghề phổ thông không bắt buộc mà HS tự chọn theo nhu cầu và sở thích với thời lượng 70 tiết (2 tiết/tuần). Những năm trước, hầu như tất cả HS THCS đều đăng ký học nghề. Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến xung quanh việc học nghề chạy theo thành tích, mang tính hình thức, không thực chất..., Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10, trong đó có điểm nghề.
Sở GD-ĐT cho biết, hè vừa qua chỉ có 1 đơn vị tổ chức cho HS THCS học nghề với số lượng rất hạn chế. Cụ thể, chỉ có 60 em đăng ý học môn Nhiếp ảnh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh. Do số HS đăng ký dự thi không đủ số lượng để tổ chức hội đồng thi nên Sở GD-ĐT không tổ chức kỳ thi nghề đợt 1 vào tháng 9-2018 như những năm trước. HS có nhu cầu đăng ký thi nghề phổ thông sẽ được chuyển sang đợt 2, khóa thi tháng 3-2019. Theo chị N.T.M - phụ huynh có con học lớp 9 tại một trường THCS của TP. Nha Trang: “Năm học tới, cháu sẽ phải thi tuyển vào lớp 10, việc học sẽ nhiều áp lực nên trước mắt gia đình định hướng cháu tập trung thời gian cho các môn chính”.
Cần đổi mới nhiều mặt
Ở cấp THCS, việc dạy nghề, hướng nghiệp được xem là cần thiết nhằm giúp HS làm quen, tìm hiểu về một số nghề nghiệp phổ biến trong xã hội, giúp HS có cái nhìn và một số kỹ năng cơ bản về nghề mà các em lựa chọn. Đồng thời, góp phần phân luồng HS sau tốt nghiệp. Thời gian qua, nhận thức của HS về nghề đã có nhiều thay đổi tích cực. Ở một số địa phương như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, HS sau THCS tham gia học ở trung tâm dạy nghề ngày càng đông nhờ các trung tâm đổi mới theo hướng vừa dạy chương trình văn hóa cấp THPT, vừa dạy nghề.
Tuy vậy, việc giáo dục nghề phổ thông hiện nay nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho thực hành còn thiếu, lạc hậu nên không nhiều HS hứng thú với học nghề. Ở một số nơi, HS không được chọn học nghề theo sở thích và năng lực mà chỉ được học những nghề mà trường hoặc trung tâm dạy. Số lượng ít ỏi HS THCS đăng ký học nghề vừa qua đòi hỏi ngành Giáo dục phải đổi mới hơn nữa về nhiều mặt.
Mới đây, Sở GD-ĐT đã giao các phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS xây dựng kế hoạch, thực hiện nội dung giáo dục hướng nghiệp sát với thực tiễn địa phương và điều kiện của trường. Mỗi trường THCS thành lập một tổ tư vấn hướng nghiệp để giúp lãnh đạo trường thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp cho HS nhằm giúp HS các lớp, nhất là HS lớp 9 định hướng nghề nghiệp có hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học; đồng thời tăng cường mời HS đã thành đạt, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và doanh nhân thành đạt để tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, chọn nghề phù hợp cho HS từ lớp 6 đến lớp 9 ít nhất 2 lần/năm học.
Sở cũng yêu cầu việc tổ chức dạy nghề phổ thông được tổ chức tại trung tâm hoặc tại trường đều phải được quản lý chặt chẽ theo quy định, tránh làm hình thức không đảm bảo chất lượng. Mỗi trường THCS triển khai dạy nghề phổ thông phải tổ chức giảng dạy ít nhất 2 nghề để HS tự chọn đăng ký. Sở sẽ không phê duyệt việc dạy nghề phổ thông tại trường nếu nhà trường chỉ tổ chức dạy một nghề. Để thu hút HS, cần chú trọng rèn luyện nề nếp cũng như kỹ năng thực hành, hướng nghiệp cho HS, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy cho các em tính tích cực, chủ động, sáng tạo...
H.NGÂN