10:11, 26/11/2018

Giúp học trò học tốt môn Văn

 Nhằm giúp học sinh học tốt môn Văn, nhiều năm liền, cô Nguyễn Ngọc Thạch (37 tuổi, tổ trưởng bộ môn Văn, Trường Trung học cơ sở Tô Hạp, Khánh Sơn) đã tự đi quay những hình ảnh địa phương để minh họa cho bài giảng.

 Nhằm giúp học sinh (HS) học tốt môn Văn, nhiều năm liền, cô Nguyễn Ngọc Thạch (37 tuổi, tổ trưởng bộ môn Văn, Trường THCS Tô Hạp, Khánh Sơn) đã tự đi quay những hình ảnh địa phương để minh họa cho bài giảng.


Kiên trì hoàn thành đồ dùng dạy học


Cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm cấp tỉnh năm 2013 - 2014 có một sản phẩm đạt giải C thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là tập hợp clip dài hơn 1 giờ, được cô Thạch kiên trì quay suốt 3 tháng để minh họa cho phần văn bản nhật dụng trong chương trình văn học THCS. Cô Thạch cho biết, với phần văn bản nhật dụng được nêu trong sách giáo khoa, rất nhiều HS cảm thấy mơ hồ, thậm chí không thể hoàn thành bài. Chính vì vậy, cô đã nảy ra sáng kiến quay các hình ảnh rồi cho HS xem để dễ hình dung, phân tích.

 

Cô Thạch giảng bài cho học sinh.

Cô Thạch giảng bài cho học sinh.


Lần quay phim đầu tiên vào tháng 2-2014, để minh họa cho bài “Thông tin về ngày Trái đất năm 2000” trong chương trình lớp 8, cô chọn quay cảnh ô nhiễm môi trường tại Khánh Sơn. Vượt 10km đường quanh co, cô đến bãi rác thôn Ma O, xã Sơn Trung, kiên trì đứng dưới nắng nóng, quay cận cảnh dòng nước rỉ rác đen ngòm, từng con chim đến rỉa rác thối… Cô còn gặp người dân sống gần bãi rác hỏi tình hình môi trường nơi đây, rồi đến Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xin thêm hình ảnh tư liệu. Giờ học đầu tiên thử nghiệm, tất cả HS đều nhận ra ngay bãi rác khổng lồ ở thôn Ma O. Các em cũng rùng mình khi nghe cô kể về cuộc sống của cư dân gần bãi rác. Giờ học bỗng sôi nổi, các em bàn luận về tác hại của ô nhiễm môi trường, giải pháp giữ gìn môi trường, trách nhiệm của HS, người lớn… Chủ đề đó đã không nằm lại trong giờ học, mà còn tác động tích cực đến ứng xử của HS. Sau đó, các em thường xuyên nhắc nhau giữ gìn vệ sinh trường, lớp.


Những điều đó giúp cô Thạch phấn chấn đi quay tiếp về chủ đề khác. Để giảng về danh lam thắng cảnh, cô không ngần ngại leo đèo, lội suối hàng giờ lên quay ở thác Tà Gụ. Giảng về dân số, cô đến từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đông con, vận động cả cộng tác viên dân số nói giùm để bà con tin tưởng chia sẻ. Cô còn tới Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, xin nhờ người lồng tiếng và được lãnh đạo đài tạo điều kiện để cô tự viết lời bình, đọc lời dẫn cho clip.


Giúp học sinh hết... sợ văn


Cứ vậy, cô Thạch đã hoàn thành hơn chục clip về nhiều chủ đề trong phần văn bản nhật dụng, ghép thành bộ clip đạt giải tại hội thi trên. Năm học 2015 - 2016, cô được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công nhận sáng kiến “Nâng cao hiệu quả lồng ghép chương trình địa phương trong giảng dạy các văn bản nhật dụng THCS nhằm làm tăng chất lượng học tập của HS”. Năm học 2016 - 2017, cô được Phòng GD-ĐT công nhận sáng kiến “Nâng cao hiệu quả lồng ghép kiến thức địa phương trong giảng dạy văn bản nhật dụng ở lớp 8A Trường THCS Tô Hạp”. Nhưng cô vui nhất khi được chính HS phản hồi qua mạng xã hội: Trước đây em không biết viết văn thế nào, cứ đến giờ văn lại sợ; nhưng hiện nay, em đã trình bày được.


Không chỉ giúp HS hiểu bài, cô còn bày HS cách học bài trên lớp, cách ôn bài ở nhà, định hướng thời gian tự học cho hiệu quả. Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, cô luôn có HS đạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đầu năm học, lớp 8A của cô chỉ có 10% HS giỏi, hơn 50% HS yếu. Cuối năm học, số HS giỏi đạt 24 - 25%, HS yếu còn 20%. Cô cũng tham gia viết kịch bản, dàn dựng hầu hết hoạt động phong trào của trường. Nguyễn Thị Thúy Na - sinh viên năm 2 khoa Ngữ văn, Đại học Bình Dương, người được cô Thạch dạy văn 2 năm liền, từng đạt giải ba môn Văn cấp tỉnh chia sẻ, cô Thạch chính là người gieo mơ ước để em phấn đấu thành cô giáo dạy văn.


Cô Thạch tâm sự, những lần đi quay không chỉ giúp HS có tư liệu học tập sinh động, mà cô cũng có thêm cơ hội trải nghiệm thực tế phục vụ giảng dạy. Và mỗi lần trình chiếu clip, nhìn HS chăm chú xem, hăng say thảo luận, cô lại thấy yêu nghề, yêu trò hơn và tự nhủ cần tiếp tục cập nhật, cố gắng hơn nữa.


TIỂU MAI

 



Thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hạp: Cô Thạch có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy văn, luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào. Các sáng kiến của cô phù hợp với HS miền núi, phục vụ hiệu quả cho việc giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng học môn Ngữ văn và đã được áp dụng ra toàn huyện.


Cô Thạch đã nhiều lần được các cấp khen thưởng về thành tích công tác. Dịp 20-11 vừa qua, cô là 1 trong 2 nhà giáo đại diện cho Khánh Hòa dự Lễ vinh danh các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.