11:11, 25/11/2018

Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học: Còn khó khăn

Chuẩn bị cho chương trình tiếng Anh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngành GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đã sớm triển khai dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn.

 

Chuẩn bị cho chương trình tiếng Anh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngành GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đã sớm triển khai dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn.


Kết quả bước đầu


Từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD-ĐT thí điểm đề án dạy tiếng Anh cho cấp tiểu học. Theo đó, bộ chủ trương thực hiện dạy tiếng Anh từ lớp 3 với thời lượng  4 tiết/tuần, lựa chọn những chủ điểm gần gũi, mục đích để rèn luyện 4 kỹ năng cho học sinh (HS), đặc biệt là 2 kỹ năng nghe - nói. Mục tiêu đặt ra là kết thúc cấp tiểu học, HS đạt trình độ tiếng Anh A 1.3. Để thực hiện chủ trương này, Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT đã lựa chọn các trường tiểu học có đủ điều kiện để đăng ký danh sách, giáo viên (GV) tham gia thí điểm, có kế hoạch bồi dưỡng GV, tăng cường cơ sở vật chất và triển khai thực hiện.

 

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2.


Nhờ đó, số HS tiểu học được học tiếng Anh ngày càng tăng. Năm học 2016 - 2017, số HS lớp 3 toàn tỉnh được học tiếng Anh đạt 37,6%. Năm học 2017 - 2018, việc học tiếng Anh đối với HS lớp 3 đã được triển khai trên toàn tỉnh với tổng số 107 trường, 65% HS lớp 3 học 4 tiết/tuần. Đến cuối năm học 2017 - 2018, số trường tiểu học triển khai dạy tiếng Anh đã tăng lên 111 trường. Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT), chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, năm đầu tiên HS lớp 3 bắt buộc học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo chương trình giáo dục tiểu học mới của bộ, với chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành GD-ĐT đã quyết tâm thực hiện để chủ động chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD-ĐT đề ra.


Cụ thể, bên cạnh chỉ đạo dạy tiếng Anh cho lớp 3, 4, 5, từ học kỳ 2 năm học 2017 - 2018, ngành đã chỉ đạo triển khai tại 24 trường tiểu học dạy tiếng Anh với mục tiêu làm quen cho HS lớp 1 và lớp 2, từ đó tạo tiền đề triển khai mở rộng. Đến năm học này, đã có 52 trường tiểu học cho HS lớp 1 và 2 làm quen với tiếng Anh.


Còn khó khăn


Theo mục tiêu đề ra trong chương trình tiếng Anh mới của Bộ GD-ĐT, đến năm 2025, tất cả HS từ lớp 3 đến lớp 5 đều được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Ngoài ra, theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia, HS THCS bắt đầu chương trình từ lớp 6 cần có năng lực tiếng Anh tối thiểu tương đương bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Để đạt bậc 1, HS phải hoàn thành chương trình tiếng Anh ở cấp tiểu học từ lớp 3 trở lên hay có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương còn hiệu lực.


Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số trường không đủ phòng học để dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển dụng GV tiếng Anh cũng gặp khó. Ông Hà Văn Thông thừa nhận, việc triển khai dạy tiếng Anh cấp tiểu học tính trên mặt bằng chung toàn tỉnh thì đạt nhưng ở từng địa phương còn gặp khó khăn. Ngay tại TP. Nha Trang, việc học tiếng Anh cũng còn khó khăn như: có trường chưa có phòng lab, có trường chưa sắp xếp được thời khóa biểu cho khối lớp 3 vì thiếu phòng học. Trên địa bàn thành phố hiện nay còn 5 trường tiểu học chưa tổ chức dạy tiếng Anh hoặc chưa dạy đảm bảo 4 tiết/tuần.


Về GV, lâu nay, các trường định mức trung bình 1,5 GV/lớp, gồm cả GV tiếng Anh, Tin học, nhưng thường chỉ tuyển dụng GV khác, hoặc một số trường đã đủ biên chế, nên để có thêm GV tiếng Anh chỉ còn cách chờ có GV nghỉ hưu hoặc chờ địa phương tuyển dụng theo lộ trình. Ở Trường Tiểu học Phước Tân 2 (Nha Trang), với 3 khối 3, 4, 5 gồm 9 lớp, nếu học 4 tiết/tuần, GV tiếng Anh cần dạy 36 tiết/tuần, nhưng quy định GV tiểu học dạy 23 tiết nên buộc phải có thêm GV. Bà Võ Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hòa Jeju (huyện Cam Lâm) cho biết, trường có 18 GV, đủ chỉ tiêu biên chế nhưng chưa có GV ngoại ngữ. Nếu thực hiện đề án dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, để khởi đầu với 2 lớp 3, tương đương 8 tiết/tuần thì chưa đủ định mức 1 GV, nên khả năng trường phải “thỉnh giảng”.


Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì thí điểm đề án dạy tiếng Anh tiểu học thêm 1 năm nữa, đồng thời có các phương án đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ GV… để khắc phục những khó khăn, vướng mắc.


HOA NGÂN