Những năm qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quan tâm duy trì, củng cố và nâng cao về tỷ lệ đạt chuẩn.
Những năm qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quan tâm duy trì, củng cố và nâng cao về tỷ lệ đạt chuẩn.
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020. Các địa phương cũng triển khai hiệu quả việc cập nhật, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin trên hệ thống thông tin điện tử quản lý để phục vụ cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng ở các địa phương được quan tâm hơn. Ngành còn có các chính sách đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) như: đề án tăng cường cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cho học sinh tiểu học 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; cấp học bổng cho học sinh tiểu học người DTTS để tổ chức ăn trưa cho trẻ; cấp kinh phí tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ 6 tuổi người DTTS trước khi vào lớp 1; xây nhà công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn...
Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS, kết quả xóa mù chữ cũng được nâng cao. Theo đó, có 39/39 xã thuộc vùng có đông đồng bào DTTS đều đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó mức độ 1 có 16 xã, mức độ 2 có 23 xã. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 mức độ 1 đạt 98,6%; mức độ 2 đạt 90,8%. Nhằm nâng cao năng lực giao tiếp của cán bộ, công chức với đồng bào DTTS, tạo sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ, công chức với đồng bào, ngành Giáo dục và các địa phương còn phối hợp dạy tiếng Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa bàn này.
Số người trong độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 2 (đã hoàn thành lớp 5) toàn tỉnh đạt 95,9%. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó mức độ 2 đạt 80,7%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cũng được duy trì tốt. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ vẫn còn hạn chế, chưa huy động được hết các đối tượng mù chữ ra lớp, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi 36 - 60 tuổi và người DTTS ở các địa bàn miền núi. Đội ngũ giáo viên tại các vùng khó khăn thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng học tập ở các lớp xóa mù chữ đối với người lớn tuổi chưa cao; biến động về dân cư cũng ảnh hưởng đến việc nắm chắc các đối tượng cần huy động ra lớp. Ngoài ra, còn có một số vướng mắc về mặt kỹ thuật liên quan đến việc cập nhật, lưu trữ, quản lý phần mềm, hồ sơ phục vụ công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ...
Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại hội nghị triển khai công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mới đây, ngành đã đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục đã đạt được. Trong đó, phấn đấu tất cả 140 đơn vị cấp xã, 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 1 về xóa mù chữ; 128 xã, 9 huyện đạt chuẩn mức độ 2. Bên cạnh đó, huy động tối đa trẻ 5 tuổi trên địa bàn đến trường; phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đối với 138 xã, 9 huyện và toàn tỉnh… Để đạt mục tiêu đó, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác này; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS…
T.VIỆT