Đầu năm 2015, Trung tâm Dạy nghề Khánh Sơn được nâng cấp thành Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú. 2 năm qua, nhà trường đã chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Đầu năm 2015, Trung tâm Dạy nghề Khánh Sơn được nâng cấp thành Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú. 2 năm qua, nhà trường đã chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Ông Đỗ Quang Thiện - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau 2 năm trở thành trường trung cấp nghề, trường luôn hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh các hệ đào tạo. Đến nay, số lượng học viên đang được đào tạo hệ trung cấp nghề đã tăng lên 250 người; học viên theo học hệ sơ cấp là 450. Các học viên là đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi theo quy định.
Lớp dạy nghề may tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn |
Nhằm đảm bảo học viên sau đào tạo có việc làm, trường luôn xác định đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội và yêu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, nhà trường tập trung đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhằm trang bị kiến thức, khoa học kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với nghề phi nông nghiệp, trường ưu tiên tuyển sinh đối với một số nghề như: xây dựng, hàn, tin học, nghiệp vụ nhà hàng… Đây là những nghề giúp người lao động có thể tìm việc làm ngay tại địa phương. Điều này khá phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhiều người lao động trên địa bàn, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, hiện nay, những nghề này đang thu hút khá nhiều lao động nông thôn theo học. Học viên Bo Bo Phúc chia sẻ: “Trước đây, em đã từng đi làm thuê ở nơi khác, nhưng sau đó thì quay về địa phương làm phụ hồ. Em muốn được đào tạo bài bản để có tay nghề cao nên đã đăng ký vào học lớp trung cấp xây dựng tại trường. Sau này tốt nghiệp, em dự định sẽ xin vào làm tại các doanh nghiệp trong huyện, vừa không phải xa nhà vừa có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống”.
Riêng đối với nghề may, nhà trường tiếp tục chú trọng liên kết với Công ty May Sài Gòn 2 (TP. Hồ Chí Minh) đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Dự kiến trong năm 2017, nhà trường tiếp tục đưa 60 học viên sau đào tạo vào làm việc tại doanh nghiệp này. Hiện nay, may công nghiệp và may thời trang là một trong những ngành nghề có tỷ lệ việc làm cao sau khi được đào tạo. Bo Bo Thị Hải Nguyệt, học viên lớp may thời trang cho biết: “Học ở đây em được các thầy cô hướng dẫn tận tình, chu đáo, cuối tháng được nhận tiền học bổng nên rất yên tâm. Sau này tốt nghiệp, em dự định sẽ vào Nam làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ quay về địa phương mở tiệm may để có thu nhập phụ giúp gia đình”.
Theo ông Thiện, thời gian qua, trường đã chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tận dụng trang thiết bị hiện có, đổi mới phương thức dạy và học, đảm bảo học viên sau đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh những ngành nghề đã được tổ chức đào tạo nhiều năm qua, hiện nay nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo thêm một số nghề mới nhằm thu hút học viên, đồng thời cũng là bước đi tắt đón đầu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong những năm tới. Hiện tại, nhà trường đang chuẩn bị thông báo tuyển sinh năm học 2017 - 2018. Năm nay, trường dự định sẽ tiếp tục tuyển sinh hệ trung cấp với các nghề: xây dựng, may thời trang, hàn và thêm nghề lâm sinh. Đây là nghề phù hợp với cơ cấu kinh tế của huyện Khánh Sơn hiện tại và trong những năm tới.
Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn đã thực hiện khá tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Đối với nghề nông nghiệp, hầu hết học viên đều áp dụng hiệu quả kiến thức đã học vào thực tế sản xuất. Đối với những nghề phi nông nghiệp, số lao động qua đào tạo có việc làm đạt tỷ lệ hơn 70%.
Đinh Luận