09:03, 02/03/2017

Cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm

Hội thi giáo viên (GV) tiểu học dạy giỏi năm học 2016 - 2017 vừa diễn ra là dịp để ngành Giáo dục và Đào tạo đánh giá toàn diện năng lực, kiến thức, phương pháp giảng dạy của GV ở cả 2 chương trình: đại trà và mô hình Trường học mới (VNEN).

Hội thi giáo viên (GV) tiểu học dạy giỏi năm học 2016 - 2017 vừa diễn ra là dịp để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá toàn diện năng lực, kiến thức, phương pháp giảng dạy của GV ở cả 2 chương trình: đại trà và mô hình Trường học mới (VNEN). Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV tiểu học.


Trong 10 ngày diễn ra hội thi, các GV đã trải qua 3 phần thi hào hứng và sôi nổi. Ở phần thi kiểm tra năng lực, hầu hết GV đã thể hiện những hiểu biết của mình đối với chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện trong GD, trong đó có đổi mới hoạt động dạy học. Phần thi cũng cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho GV từ các phòng GD-ĐT đến các trường tiểu học.

 

Giáo viên tham gia hội thi
Giáo viên tham gia hội thi


Các GV còn mang đến hội thi các sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, tạo hứng thú trong giờ học, vận dụng phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đến những kỹ năng dạy học ở từng môn như: ứng dụng kỹ thuật dạy học giúp học sinh (HS) làm tốt bài toán có lời văn, hay sử dụng “mô hình cánh bướm” trong dạy học môn Toán; học tốt cách phát âm trong môn Tiếng Anh; vận dụng phương pháp tổ chức trò chơi trong dạy học và GD kỹ năng sống…


Tại hội thi, có nhiều sáng kiến đề cập đến việc phát huy năng lực tự học, tự quản, tự giải quyết vấn đề của HS, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng tự quản, xây dựng tổ chức lớp học trong mô hình VNEN; hay sáng kiến phương pháp dạy học đối với HS khó khăn về học. Theo đánh giá của Ban tổ chức, so với hội thi trước, các sáng kiến của hội thi lần này được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Nhiều sản phẩm được đầu tư nghiên cứu công phu, có minh chứng đầy đủ và số liệu chính xác, mang ý nghĩa thực tiễn và có khả năng áp dụng tại nhà trường.


Tiêu điểm của hội thi là phần thi giảng. Có 132 tiết dạy dự thi của 66 GV đều là những giờ dạy tiêu biểu và lý thú. Các GV đã có ý thức đổi mới về phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra, đánh giá, cách tổ chức các hoạt động dạy học với tinh thần lấy HS làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực của HS. Những tiết dạy đạt loại xuất sắc được đánh giá cao bởi sự linh hoạt của GV trong việc tổ chức cho HS hoạt động, phối hợp, tương tác trong giờ học. Đây cũng là tinh thần của việc tổ chức lớp học theo mô hình VNEN. Trong hơn một nửa số tiết dạy tham gia hội thi có sử dụng giáo án điện tử, tạo được không khí học tập sôi nổi, hấp dẫn với những hình ảnh đẹp và tư liệu phong phú.


Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định: “Hầu hết các tiết dạy đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực; GV chuẩn bị đồ dùng dạy học chu đáo và phong phú. Nhiều giờ học đã cập nhật kịp thời hình thức tổ chức dạy học của mô hình VNEN, tạo điều kiện cho HS phát triển năng lực cá nhân. Đối với các tiết dạy VNEN, GV đã tổ chức hoạt động nhóm khá linh hoạt, HS tương tác trong nhóm hiệu quả, tự nhiên. Hội đồng tự quản phát huy vai trò điều hành hoạt động trong lớp tốt, HS tích cực chia sẻ, mạnh dạn, tự tin trong học tập”.

 

Hội thi được tổ chức tại các trường tiểu học: Lộc Thọ, Vạn Thắng, Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phước Tiến (TP. Nha Trang). Kết quả, 66 GV được công nhận GV tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh, đạt 100%, trong đó có 19 GV xuất sắc (10/23 GV dạy theo mô hình VNEN đạt xuất sắc). Một số đơn vị đạt thành tích cao như: Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, Phòng GD-ĐT huyện Diên Khánh. Cụ thể, ở phần thi năng lực, 100% bài thi đạt khá, giỏi, trong đó có 42 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên. Có 44 sản phẩm sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đạt loại khá, chiếm 65,7%. Có 24 tiết dạy đạt loại xuất sắc, chiếm 18,2%.

Cô Công Huyền Tôn Nữ Kim Thoa (Trường Tiểu học Lộc Thọ, TP. Nha Trang), 1 trong 19 GV đạt xuất sắc và cũng là GV lớn tuổi nhất hội thi chia sẻ: “Đây là cơ hội để các GV và các trường, trong đó có các trường dạy học theo mô hình VNEN giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Hội thi cũng một lần nữa khẳng định, để hoạt động dạy và học đạt hiệu quả thì GV không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức mà còn phải gợi mở, định hướng cho HS, đồng thời phối hợp một cách sáng tạo, linh hoạt giữa các phương pháp học và sử dụng dụng cụ học tập phù hợp. Có như vậy mới khơi gợi cho HS niềm say mê, hứng thú trong học tập”.


Theo đánh giá của Ban tổ chức, hội thi đã được các đơn vị hưởng ứng tích cực, chuẩn bị chu đáo và triển khai một cách nghiêm túc. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn có một số bài thi bộc lộ những bất cập trong nhà trường hiện nay. Đó là việc đổi mới trong dạy học chưa đồng bộ, GV còn lúng túng trong đổi mới đánh giá HS, nhất là quá trình học tập; GV chưa khơi gợi, phát huy tối đa tính chủ động, tích cực của HS. Đối với HS khuyết tật, vai trò của gia đình và xã hội vẫn còn mờ nhạt… Qua dự giờ tiết dạy, các cán bộ quản lý cũng thấy được việc chỉ đạo chuyên môn ở cơ sở của mình và học hỏi cách quản lý chuyên môn của đồng nghiệp.


“Được tổ chức 4 năm/lần, hội thi GV tiểu học dạy giỏi được xem là một trong những thành quả quan trọng về hoạt động chuyên môn của cấp tiểu học; đây cũng là cơ hội để tôn vinh các nhà giáo tài năng. Đồng thời, qua hội thi đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế để ngành GD-ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV của tỉnh”, bà Hoàng Thị Lý cho biết.


H.NGÂN