12:03, 02/03/2017

Chính sách về giáo dục có hiệu lực trong tháng 3-2017

Nhiều chính sách mới về giáo dục, tuyển sinh sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 3-2017 như: được vay tiền đi học đến 100 triệu đồng; đưa môn học giáo dục quốc phòng là môn chính khóa; trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT; nguyện vọng thi đại học...
 

Nhiều chính sách mới về giáo dục, tuyển sinh sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 3-2017 như: được vay tiền đi học đến 100 triệu đồng; đưa môn học giáo dục quốc phòng là môn chính khóa; trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT; nguyện vọng thi đại học...
 
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Được vay tiền đi học, mua phương tiện đến 100 triệu
 
Từ 15-3, ngân hành cho vay đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua (mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở), sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng không được vượt quá 100.000.000 đồng.
 
Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
 
(Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3).
 
Học sinh cần có kỹ năng tối thiểu về điều lệnh đội ngũ
 
Từ 1-3, Bộ GDĐT xác định môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường THPT sẽ là môn học chính khóa. Theo đó, yêu cầu học sinh sau khi học xong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh, phải nắm được những vấn đề cơ bản về giữ gìn an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, những âm mưu thủ đoạn về Chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; có hiểu biết cơ bản về phòng không nhân dân và kỹ năng phòng tránh một số loại bom, mìn, đạn, thiên tai và cháy nổ;
 
Đặc biệt, có kỹ năng tối thiểu về điều lệnh đội ngũ; kỹ thuật, chiến thuật bộ binh; biết sử dụng súng tiểu liên AK; vận dụng được các động tác chiến thuật từng người trong nội dung thực hành các kỹ năng quân sự, an ninh; tổ chức hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định.
 
(Thông tư 02/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông (THPT), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-3).
 
Nội dung thi THPT quốc gia
 
Theo thông tư 04/2017/TT-BGDĐT, nội dung thi THPT quốc gia năm 2017 chỉ nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018 nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong toàn bộ chương trình cấp THPT.
 
Kì thi THPT quốc gia gồm 5 bài, trong đó có 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).
 
Đặc biệt, thí sinh sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT nếu bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi; xếp loại học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 từ khá trở lên.
 
(Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 10-3).
 
Không giới hạn nguyện vọng khi thi đại học
 
Từ kì tuyển sinh đại học năm 2017, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường, nhưng phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
 
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.
 
(Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3).
 
Không công bố tỉ lệ SV có việc, không được tuyển sinh
 
Các trường tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy còn phải công bố thêm tổng chi phí để đào tạo một sinh viên mỗi năm và tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hai khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành) trong đề án tuyển sinh.
 
Trường hợp không công khai đầy đủ các thông tin nêu trên sẽ không được thông báo tuyển sinh.
 
Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải.
 
(Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT của GD&ĐT về quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3.)
 
Theo Pháp luật TP.HCM