Từ đầu thập niên 90, môn Giáo dục công dân (GDCD) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là môn khoa học xã hội trong các trường THPT. Thế nhưng, từ đó đến nay, bộ môn này vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng; hầu hết các trường THPT đều coi đây là môn học phụ, thậm chí có trường không dạy bộ môn này.
Từ đầu thập niên 90, môn Giáo dục công dân (GDCD) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là môn khoa học xã hội trong các trường THPT. Thế nhưng, từ đó đến nay, bộ môn này vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng; hầu hết các trường THPT đều coi đây là môn học phụ, thậm chí có trường không dạy bộ môn này.
Nguyên nhân trước hết, là do nội dung chương trình giảng dạy bộ môn GDCD trong các trường THPT quá nặng nề, không phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh (HS). Chẳng hạn, chương trình môn GDCD khối 10 học về triết học với nhiều khái niệm trừu tượng, khối 11 học về kinh tế học, khối 12 học về pháp luật. Rõ ràng, lứa tuổi HS khối 10, 11 mới lớn làm sao có thể hiểu nổi những khái niệm trừu tượng về triết học và kinh tế học? Bên cạnh đó, đội ngũ những người giảng dạy bộ môn GDCD ở các trường THPT hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm, không được đào tạo về bộ môn này. Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên đã sử dụng phương pháp áp đặt một chiều từ người dạy đến người học, không thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chủ yếu là dạy chay, thiếu tư liệu thực tế. Thầy dạy qua loa, trò học đại khái. Nhiều HS không thích học môn GDCD vì không phải thi và thầy dạy khó hiểu.
Từ suy nghĩ đó dẫn đến hành động, nhiều HS không chú tâm học môn GDCD, phần lớn là học theo kiểu đối phó; từ đó không hình thành được kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống: HS nói tục, nói dối, quay cóp, xé bài trước mặt thầy cô giáo khi bị điểm kém, sa ngã vào lối sống buông thả, tiếp thu những nếp sống không lành mạnh. Tình trạng HS vi phạm pháp luật, tệ nạn ma túy học đường cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Xuất phát từ thực trạng trên, có thể thấy việc giáo dục, định hướng cho HS về quan điểm, lối sống, nhận biết những thay đổi hàng ngày của xã hội đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu. Môn GDCD trong nhà trường không chỉ bồi dưỡng cho HS những chuẩn mực đạo đức mà còn cần phát triển kỹ năng sống cho HS.
Việc thay đổi chương trình môn GDCD và đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn này đang ngày càng trở nên cấp thiết và tất yếu, góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và những công dân mới có tính năng động sáng tạo, có phẩm chất và năng lực thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước, phù hợp với xu thế phát triển chung trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nguyễn Minh Kỳ
(Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)