21:06, 08/11/2023

Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Chia sẻ, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, người lao động

VŨ ĐỨC NHẬT

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, việc tham gia quỹ này góp phần chia sẻ, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Công ty Cổ phần Đào tạo Greenlines Việt Nam tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tháng 10-2023.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các doanh nghiệp năm 2023.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bảo đảm chế độ trợ cấp một lần, hàng tháng, trợ cấp phục vụ cho người lao động và thân nhân của họ khi không may xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mà còn giúp giảm nhẹ gánh nặng bồi thường từ người sử dụng lao động, cũng như gánh nặng an sinh xã hội. Đồng thời, chính sách này còn hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về ATVSLĐ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động.

Cục An toàn lao động và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tuyên truyền, tập huấn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tháng 7-2023.
Cục An toàn lao động và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tuyên truyền, tập huấn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các doanh nghiệp năm 2023.

Về mức đóng, theo quy định tại khoản 1 Điều 44, Luật ATVSLĐ năm 2015: “Người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Hiện nay, mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, hoặc 0,3% đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao, thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 58, ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các chế độ, chính sách cụ thể từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 

Thứ nhất, nhóm chính sách liên quan đến khắc phục hậu quả do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm: Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật hoặc giám định lại do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định; chi trợ cấp một lần, hàng tháng, trợ cấp phục vụ; chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Thứ hai, nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động liên quan đến các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về ATVSLĐ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm: Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giảm mức đóng (hiện nay áp dụng mức đóng 0,3%) nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động; hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp.

Hàng năm, Cục An toàn lao động và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các đối tượng là lãnh đạo, ban chấp hành công đoàn cơ sở, cán bộ ATVSLĐ, y tế, hành chính nhân sự, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, phổ biến, tuyên truyền các chế độ, chính sách đối với người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo các yêu cầu và điều kiện để thụ hưởng chế độ, chính sách từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện điều tra, giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, hướng dẫn lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính để thụ hưởng chính sách từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ, chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu, hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.

Khi doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc tham gia để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ góp phần chia sẻ, giảm thiểu rủi ro cho đơn vị và người lao động; tháo gỡ bớt khó khăn, giúp doanh nghiệp thực hiện ngày càng tốt hơn công tác ATVSLĐ, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng, không tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời, nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp này thì người sử dụng lao động phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ trong nhóm chính sách liên quan đến khắc phục hậu quả đối với người lao động như trường hợp có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

VŨ ĐỨC NHẬT (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)