20:23, 03/08/2023

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

H.NGÂN

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, toàn tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn trong thời gian tới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), những năm qua, sở đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp ở địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ như: Huy động học sinh đến trường; nâng cao chất lượng dạy học; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng cơ sở vật chất trường học. Mạng lưới trường, lớp của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn tỉnh hiện đạt 93,9%. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học, bậc học cơ bản đáp ứng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Năm 2014, tỉnh hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, là 1 trong 10 tỉnh trên cả nước hoàn thành mục tiêu này trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đến nay, kết quả này tiếp tục được duy trì, tỷ lệ trẻ 5 tuổi trong toàn tỉnh được huy động ra lớp đạt 99,15%; 139/139 đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện (kể cả huyện đảo Trường Sa) đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh cũng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó có 8/9 huyện đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 82 đơn vị cấp xã đạt mức độ 3, tăng 10 đơn vị cấp xã so với năm 2021.

Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn còn gặp khó khăn. Ở một số địa phương, cơ sở vật chất của một số trường học đã được bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ, một số trường có số học sinh/lớp đông ảnh hưởng phần nào đến chất lượng và kế hoạch phát triển giáo dục. Ở một số xã đảo khó khăn, học sinh học xong chương trình tiểu học không có điều kiện vào đất liền học THCS, ảnh hưởng đến việc nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đa số người dân các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự quan tâm đến việc học tập cho con em, ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh trong trường học và các lớp phổ cập…

Dạy phổ cập THCS cho học sinh tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
Dạy phổ cập THCS cho học sinh tại đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh mới đây, bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, công tác phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn huyện gặp khó khăn hơn so với cấp mầm non và tiểu học vì nhiều em đang học lớp 8, lớp 9 đã bỏ học để đi làm kiếm tiền, nhà trường, địa phương phải vận động, tuyên truyền thường xuyên. Ngoài ra, việc vận động người dân từ độ tuổi 35 trở lên theo học các lớp xóa mù chữ cũng gặp khó khăn vì đây là độ tuổi họ đi làm, ít có thời gian theo học. Mặt khác, để làm tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, cần bố trí giáo viên chuyên trách thực hiện công tác này thay vì kiêm nhiệm như hiện nay. Có như vậy, công tác tham mưu, đề xuất cho các cấp lãnh đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn và triển khai các nhiệm vụ mới đồng bộ, sâu sát và đạt kết quả cao hơn.

Củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn

 

Theo ông Võ Hoàn Hải, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, toàn tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; trong đó, cán bộ quản lý các nhà trường là lực lượng nòng cốt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Sở kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành tài liệu, sách giáo khoa dạy chương trình xóa mù chữ theo quy định tại Thông tư số 33/2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình xóa mù chữ. Đồng thời, nâng cấp hệ thống phần mềm nhập liệu thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vì hiện nay hệ thống xử lý chậm; thời gian nhập dữ liệu ít (21 ngày cho cấp tỉnh, cấp huyện và xã), gây nhiều khó khăn cho cơ sở trong việc cập nhật, xử lý số liệu.

Tại đợt kiểm tra về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh mới đây, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đánh giá, việc kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ của tỉnh và các cấp thực hiện đúng quy trình theo quy định tại Nghị định số 20/2014 của  Chính phủ và Thông tư 07/2016 của Bộ GD-ĐT. Hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh, huyện và xã đầy đủ, đảm bảo tính pháp lý và được bảo quản, lưu giữ, cập nhật thường xuyên; số liệu thống kê bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tế. Đoàn đã đề nghị Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì vững chắc kết quả đã đạt được; chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá thường xuyên; chú trọng việc hoàn thiện các hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ cấp xã đến cấp tỉnh và bảo quản lưu giữ, cập nhật hồ sơ khoa học hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung tâm học tập cộng đồng trong công tác xóa mù chữ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng các điều kiện để thực hiện thành công chương trình, sách giáo khoa mới...

H.NGÂN