Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đang tập trung hoàn thiện các phương án ứng phó thiên tai năm 2023. Trong đó, việc đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với nắng nóng, khô hạn, thiếu nước được lên kịch bản chi tiết.
Nguy cơ thiếu nước
Theo cơ quan chuyên môn, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm nay và duy trì đến năm 2024. Khi xảy ra hiện tượng này sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng trên cả nước cao hơn bình thường, nắng nóng gay gắt hơn. El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa với mức phổ biến từ 25 đến 50%, nguy cơ cao xảy ra khô hạn trong các tháng mùa khô năm 2023 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Thi công đập ngăn hạ lưu hồ chứa nước Đắc Lộc phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp cho xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang. |
Với địa hình hẹp, có độ dốc lớn, hầu hết các con sông trên địa bàn tỉnh nhanh chóng hạ thấp mực nước chỉ sau một thời gian ngắn xảy ra nắng nóng. Toàn tỉnh có 31 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 250 triệu m3, khá thấp so với các địa phương trên cả nước; chỉ xấp xỉ, thậm chí thua xa so với 1 hồ chứa nước của một số tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, như: Hồ chứa nước Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) có sức chứa 220 triệu m3; hồ Đa Mi (tỉnh Bình Thuận) 695 triệu m3; hồ Định Bình (tỉnh Bình Định) 244 triệu m3; hồ Ayun Hạ (tỉnh Gia Lai) 253 triệu m3… Trong số 31 hồ chứa trong tỉnh, chỉ có 5 hồ có dung tích hơn 10 triệu m3, 26 hồ còn lại đều nhỏ, có hồ chỉ vài trăm khối nước. Khi nắng nóng xảy ra, chỉ trong một thời gian ngắn, các hồ này nhanh chóng cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước là hiện hữu.
Lên kịch bản ứng phó khô hạn
Theo cơ quan chuyên môn, hạn hán làm gián đoạn mùa vụ, nguy cơ gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi. Gần đây nhất vào năm 2020, hiện tượng El Nino khiến toàn tỉnh phải dừng sản xuất 14.500ha/19.000ha lúa hè thu; hàng chục nghìn héc-ta cây ăn quả bị ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và năng suất, nhất là sầu riêng, măng cụt ở huyện Khánh Sơn, bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh, xoài ở huyện Cam Lâm… Theo rà soát tại thời điểm cuối tháng 5-2020, thời kỳ cao điểm của hạn hán có 43 khu vực ở các địa phương: Vạn Ninh, Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm bị thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến khoảng 2.500 hộ dân sinh sống tại các khu vực này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đang tập trung hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai năm 2023. Trong đó, có các phương án nhằm chủ động ứng phó với nguy cơ nắng nóng trên diện rộng, khô hạn và thiếu nước. Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, trong phương án ứng phó thiên tai của địa phương, thị xã đã chỉ đạo các phòng chuyên môn đặc biệt chú ý đến nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Khi nắng nóng kéo dài, các xã: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sim, Ninh Tân… là những khu vực có nguy cơ thiếu nước; còn các xã, phường ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn. Các kịch bản xây dựng được tính toán trên tinh thần sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên là sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp, nông nghiệp. Các phương án về khoanh vùng sản xuất nông nghiệp; đào, khoan giếng, vận chuyển nước sinh hoạt phục vụ người dân ở vùng hạn… cũng được tính đến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, cùng với việc chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán của các địa phương, đến nay, các đơn vị quản lý hồ chứa; lực lượng phòng, chống cháy rừng… đã xây dựng kịch bản chi tiết các phương án phòng ngừa và chủ động ứng phó theo từng mức độ khô hạn có thể xảy ra. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa đã lên kế hoạch khoanh vùng sản xuất nông nghiệp, triển khai các giải pháp tiết kiệm nước; các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng triển khai nhiều giải pháp, như: Dọn thực bì, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống cháy rừng…
Những năm qua, tỉnh cũng đã dành nguồn lực để từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai; lồng ghép các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ nhằm kịp thời truyền tải thông tin tới người dân để nắm bắt, chủ động chuẩn bị, phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Tại buổi làm việc về công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 mới đây, ông TRẦN HÒA NAM - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tập trung kiểm tra, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai năm 2023 đảm bảo hiệu quả, sát thực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời và xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin