22:17, 07/05/2023

Triển khai phân loại rác thải tại nguồn

THÁI THỊNH

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: 

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 800 tấn/ngày. Tại một số địa phương và khu vực nông thôn chưa được đầu tư công nghệ xử lý rác mà chủ yếu là chôn lấp, đốt gây lãng phí về diện tích xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các nguồn nguyên liệu có thể tái chế, như: Rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… bị vùi chôn trong đất, phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Do đó, việc phân loại rác tại nguồn sẽ giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý; đồng thời có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các loại rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được; lượng hữu cơ trong rác thải sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh thân thiện với môi trường.

 Xin bà cho biết một số nội dung cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn?

- Theo quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại thành 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thủy tinh); chất thải sản phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ chủ nguồn thải). Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, sau khi thực hiện phân loại, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi. 

Công nhân thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình ở TP. Nha Trang.

- Việc triển khai, giám sát quá trình phân loại rác thải tại nguồn sẽ được thực hiện ra sao, thưa bà?

- Việc UBND tỉnh ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trong giai đoạn này là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế. Quy định của UBND tỉnh khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động đầu tư, tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được hưởng các chế độ ưu đãi về đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành. UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hàng năm xây dựng và triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn; lựa chọn danh sách các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định này trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

- Xin cảm ơn bà!

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 26, Nghị định số 45 ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

THÁI THỊNH (Thực hiện)