21:06, 14/05/2023

Tai nạn lao động, còn đó những nỗi đau...

Tai nạn lao động (TNLĐ) luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Chỉ vì một phút bất cẩn hay sự cố ngoài ý muốn, đã có những người vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau cho gia đình, xã hội. Do vậy, mỗi người lao động (NLĐ) cần phải tự bảo vệ mình, phòng tránh rủi ro trong quá trình làm việc...

Mất đi trụ cột gia đình

Đã gần 2 năm trôi qua kể từ ngày anh Nguyễn Hữu Cường - công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang mất vì TNLĐ, chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) vẫn không kìm được nước mắt mỗi khi nhắc đến chồng mình. Chị Thanh nghẹn ngào kể: “Anh Cường là lao động chính, trụ cột của gia đình, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà và tiền ăn học của 2 con nhỏ đều trông nhờ vào tiền lương của anh. Sự ra đi đột ngột của anh khiến gia đình trở nên trống vắng, chỉ còn mình tôi bươn chải nuôi các con”. 

Trong căn nhà nhỏ của gia đình bà Trần Thị Thúy Nga (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm), mẹ của anh Võ Phúc Hưng, công nhân Công ty T&H Nha Trang bị tử vong do TNLĐ vào ngày 18-4 luôn nghi ngút khói hương. Đã gần 1 tháng trôi qua sau vụ tai nạn, bà Nga vẫn bàng hoàng bởi nỗi đau bất ngờ ập xuống gia đình. Năm 2018, anh Hưng được công ty tuyển dụng vào làm với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Khoản tiền lương ấy, anh Hưng đều đưa cho mẹ để lo cho em gái ăn học. Vậy mà, trong trong lúc vận hành hệ thống máy bảo quản hải sản đông lạnh, bình khí CO phát nổ làm anh Hưng tử vong tại chỗ. Mất mát đối với gia đình bà Nga quá lớn, bởi anh Hưng là con trai duy nhất, trụ cột trong gia đình. Để phần nào san sẻ khó khăn cho gia đình, lãnh đạo Công ty T&H Nha Trang nhận chu cấp tiền ăn học cho em của anh Hưng đến năm 22 tuổi, bằng với số tiền lương của anh (6 triệu đồng/tháng)…

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm, động viên và chia sẻ đau thương mất mát với gia đình bà Trần Thị Thúy Nga.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, động viên và chia sẻ đau thương mất mát với gia đình bà Trần Thị Thúy Nga.

Cần tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn lao động

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tuy nhiên, tình hình TNLĐ vẫn còn xảy ra nhiều, điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ. Nguyên nhân chính dẫn đến TNLĐ là do doanh nghiệp chưa xây dựng quy trình, giải pháp ATVSLĐ; người lao động chưa chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn. Đồng thời, vẫn còn doanh nghiệp chưa thực hiện huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ, sơ cấp cứu cho NLĐ; chưa trang bị hoặc không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị trong một số đơn vị, doanh nghiệp chưa đảm bảo an toàn lao động; điều kiện và tâm sinh lý làm việc của NLĐ còn nhiều căng thẳng, mệt mỏi...

Theo ông Đào Quốc Trưởng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, để hạn chế các vụ TNLĐ, trước hết, các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường xây dựng và áp dụng các giải pháp, quy trình về ATVSLĐ; kiên quyết không để NLĐ chưa đảm bảo an toàn bước vào làm việc. Phía NLĐ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và luôn cảnh giác để tự bảo vệ an toàn cho chính mình trong quá trình làm việc. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước, địa phương cần thường xuyên tuyên truyền về ATVSLĐ nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và NLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ ở tất cả cơ quan, doanh nghiệp, nhất là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng điện, khai thác khoáng sản và sử dụng vật liệu công nghiệp, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền và huấn luyện ATVSLĐ để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người sử dụng lao động và NLĐ trong việc chấp hành đúng các nội quy, quy trình, giải pháp làm việc an toàn. Đồng thời, mở rộng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ; chủ động, kịp thời tư vấn, hướng dẫn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để giúp các doanh nghiệp phòng ngừa, thực hiện tốt các quy định của pháp luật…

Từ năm 2022 đến nay, qua thống kê, toàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ TNLĐ làm 43 người bị nạn, trong đó làm 17 người chết và 12 người bị thương nặng. Các lĩnh vực, công việc để xảy ra TNLĐ nhiều là thi công công trình xây dựng, cơ khí, chế biến, bảo quản thủy sản, khai thác sản xuất sản phẩm từ gỗ.

VĂN GIANG