23:46, 18/05/2023

Phân cấp quản lý các công trình thủy lợi

HỒNG ĐĂNG

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định quy định phân cấp quản lý các công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết:

- Trên địa bàn tỉnh có 31 hồ chứa nước, trong đó có 28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện; hơn 110 đập dâng, 63 trạm bơm và hơn 2.200km kênh mương thủy lợi phục vụ nước tưới cho hơn 21.000ha cây trồng, cung cấp hơn 61.000m3 nước/ngày đêm cho mục đích sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất công nghiệp. Những năm qua, việc quản lý các công trình thủy lợi này thực hiện dựa trên quyết định của tỉnh căn cứ vào Pháp lệnh Khai thác bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001. Theo đó, về cơ bản, các hồ chứa nước có dung tích trên 500.000m3, hệ thống kênh chính cấp 1, 2, 3 do UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi) quản lý, vận hành, khai thác. Đối với hệ thống các hồ chứa nhỏ hơn 500.000m3 và hệ thống kênh nhánh nội đồng được giao cho UBND cấp xã quản lý, khai thác. 

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thủy lợi và Nghị định 129 ngày 16-11-2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, UBND cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định phân cấp quản lý các công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy định và thực tiễn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

- Vậy đâu là những điểm mới, khác biệt so với quy định trước đây, thưa ông?

- Theo quy định hiện nay, UBND tỉnh (đại diện chủ sở hữu đối với công trình cấp tỉnh) quản lý các công trình thủy lợi đầu mối, các trục kênh chính, công trình điều tiết nước có quy mô vừa và lớn, hệ thống công trình thủy lợi liên huyện có yêu cầu về quản lý, vận hành phức tạp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương cấp huyện, bao gồm: Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 500.000m3 trở lên hoặc hồ chứa nước có chiều cao đập từ 10m trở lên; đập dâng, trạm bơm có phạm vi phục vụ tưới liên huyện; hệ thống kênh loại I, loại II và loại III có diện tích tưới lớn hơn 100ha. Trước đây, các công trình này được tỉnh giao cho Công ty Thủy lợi quản lý, khai thác. Hiện nay, theo quy định mới, tỉnh sẽ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) làm chủ quản lý công trình, sở căn cứ tình hình thực tế để tham mưu cho UBND tỉnh giao cho các đơn vị khai thác (trong đó có Công ty Thủy lợi).

Chi cục Thủy lợi tỉnh kiểm tra an toàn công trình hồ Suối Lớn ở Vạn Ninh.
Chi cục Thủy lợi tỉnh kiểm tra an toàn công trình hồ Suối Lớn ở Vạn Ninh.

UBND cấp huyện (đại diện chủ sở hữu đối với công trình cấp huyện) quản lý các công trình, hệ thống công trình thủy lợi nhỏ có tính chất kỹ thuật đơn giản, bao gồm: Hồ chứa có dung tích toàn bộ dưới 500.000m3 nước hoặc hồ chứa có chiều cao đập dưới 10m; đập dâng có chiều cao đập dưới 10m và có quy mô tưới trong phạm vi một xã hoặc liên xã; trạm bơm phục vụ tưới, tiêu trong phạm vi một xã hoặc liên xã; công trình thủy lợi nội đồng; đê sông, đê biển, kè sông, kè biển và đê bao trong phạm vi một huyện. Chủ quản lý các công trình thủy lợi này là Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế hoặc phòng chuyên môn có chức năng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- UBND tỉnh cũng quy định vai trò, nhiệm vụ cụ thể trong việc quản lý các công trình thủy lợi, ông có thể cho biết thêm về nội dung này?

- Theo quyết định của UBND tỉnh, chủ sở hữu công trình thủy lợi (UBND tỉnh, UBND cấp huyện) đảm bảo kinh phí bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi và trách nhiệm khác liên quan theo quy định của pháp luật.

Chủ quản lý công trình thủy lợi (Sở NN-PTNT, Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế cấp huyện) có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, UBND cấp huyện theo phân cấp quyết định giao công trình thủy lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác và bảo vệ theo đúng quy định; quản lý việc khai thác và bảo vệ công trình theo mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế và tiềm năng, lợi thế của công trình; lựa chọn, ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; giám sát việc cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; chủ trì việc điều tra, đánh giá hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi định kỳ hoặc đột xuất; quyết định theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh quyết định đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

- Xin cảm ơn ông!

HỒNG ĐĂNG (Thực hiện)