23:25, 04/05/2023

Giao lưu "Tiếng Việt của chúng em":
Sân chơi cho học sinh dân tộc thiểu số

H.NGÂN

Vừa qua, tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh dành cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) năm học 2022 - 2023. Đây là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cho học sinh DTTS giao lưu, học hỏi, vận dụng linh hoạt tiếng Việt trong giao tiếp và học tập.

Nhiều trải nghiệm phong phú

Chương trình có sự tham gia của 6 đội đến từ 6 phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Cam Ranh, với 60 học sinh DTTS từ lớp 3 đến lớp 5, đại diện cho hơn 9.000 học sinh DTTS trong toàn tỉnh. Tại đây, các học sinh đã có những trải nghiệm thú vị, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Một số em sau chút bỡ ngỡ ban đầu đã dần bắt nhịp và hòa mình vào các hoạt động. Ở phần chào hỏi, thông qua các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, bài thơ, chuyện kể, hò vè…, các đội đã thể hiện sự tự tin, khả năng ứng xử, sử dụng tiếng Việt và năng khiếu của các thành viên khi giới thiệu về văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, về mái trường nơi các em đang học, về bản làng, quê hương. Ở phần “Tiếng Việt của chúng em” với 2 nội dung đọc - hiểu văn bản và viết đúng - viết đẹp, các học sinh không chỉ thể hiện khả năng đọc tiếng Việt rõ ràng, lưu loát, diễn cảm mà còn cho thấy vốn kiến thức tiếng Việt phong phú mà các em đã được trang bị ở nhà trường cũng như trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày. Nhiều bài viết của học sinh có nét chữ đều, đẹp, khắc phục được hiện tượng viết thiếu dấu, thiếu nét thường gặp, được ban giám khảo đánh giá cao.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho các học sinh.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho các học sinh.

Tại chương trình giao lưu, các đội còn thi vẽ tranh với chủ đề “Chắp cánh ước mơ”. Trong vòng 90 phút, các học sinh của từng đội đã biết kết hợp, phân công nhiệm vụ, đưa ra ý tưởng và sắp xếp nội dung để tạo nên một bức tranh với bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa, đường nét ngộ nghĩnh đúng với lứa tuổi. Mỗi bức tranh mang một thông điệp ý nghĩa, gửi gắm mơ ước của các em về thư viện thông minh, lớp học thông minh, ước mơ bản làng, quê hương ngày một đổi thay, trở thành miền quê đáng sống, văn minh, thân thiện... Trong khi đó, phần giao lưu trò chơi dân gian với các trò chơi: Chuyển quả về đích, đổ nước vào chai đã tạo không khí sôi nổi, lôi cuốn các em. Kết thúc hội thi, Ban giám khảo đã trao giải cho các đội ở từng phần giao lưu, trao giải cá nhân cho các học sinh thể hiện xuất sắc trong phần giao lưu đọc - hiểu văn bản và viết đúng - viết đẹp.

Tiếp tục quan tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh

Theo thầy Lý Văn Bào - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh), nhờ thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh nên những năm gần đây, học sinh DTTS đã nói tiếng Việt tốt và tự tin hơn trước rất nhiều. Chương trình giao lưu lần này là cơ hội để các em có dịp gặp gỡ, làm quen, giới thiệu về quê hương mình, hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc khác, trau dồi hơn nữa vốn tiếng Việt. Các nội dung giao lưu phong phú, đa dạng, tạo sự hứng thú, tham gia tích cực cho các em.

Là một trong các học sinh đạt giải cao, em Cao Thị Kim Trùy, lớp 5B Trường Tiểu học Khánh Hòa - JeJu (huyện Cam Lâm) chia sẻ: “Em đã cùng các bạn trong đội vẽ tranh về lớp học thông minh trong tương lai với sách giáo khoa điện tử, máy vi tính, hệ thống âm thanh, màn hình tương tác, máy tính bảng… để có thể học ở bất cứ nơi đâu. Qua chương trình, em học thêm được nhiều điều hay, có thêm nhiều bạn mới”.

Học sinh thuyết trình về tranh vẽ.
Học sinh thuyết trình về tranh vẽ.

Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” là hoạt động được các trường tiểu học có học sinh DTTS tổ chức hàng năm; các phòng GD-ĐT tổ chức 2 năm/lần ở cấp huyện; sở tổ chức 4 năm/lần ở cấp tỉnh. Qua đó, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh DTTS giao lưu, mở rộng môi trường giao tiếp tiếng Việt, tạo động lực thúc đẩy việc tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS. Các trường và các phòng GD-ĐT đã có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo cho chương trình. Đặc biệt, điều Ban tổ chức cảm nhận rõ nhất ở các học sinh là sự nghiêm túc khi tham gia các phần giao lưu, sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, biết thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc, đưa ra ý kiến của bản thân về một vấn đề, một sự việc cụ thể bằng tiếng Việt. Sau chương trình, các trường cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, quan tâm tạo điều kiện cho học sinh phát triển các kỹ năng của môn Tiếng Việt để từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.

H.NGÂN