Giáo dục trẻ phải bắt đầu từ gốc rễ, đó là đạo đức. Đó là tâm niệm của các thầy, cô giáo, phụ huynh trong Nhóm Seeds of Hope - Hạt giống hi vọng (TP. Nha Trang) khi xây dựng "Lớp học hạnh phúc" để cùng trò chuyện với trẻ về đạo đức, thực hành kỹ năng, trải nghiệm thực tế, giúp trẻ học cách san sẻ yêu thương, hiểu được ý nghĩa khi phụng sự cộng đồng để nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn.
Giáo dục trẻ phải bắt đầu từ gốc rễ, đó là đạo đức. Đó là tâm niệm của các thầy, cô giáo, phụ huynh trong Nhóm Seeds of Hope - Hạt giống hi vọng (TP. Nha Trang) khi xây dựng “Lớp học hạnh phúc” để cùng trò chuyện với trẻ về đạo đức, thực hành kỹ năng, trải nghiệm thực tế, giúp trẻ học cách san sẻ yêu thương, hiểu được ý nghĩa khi phụng sự cộng đồng để nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn.
Ngày Chủ nhật tích cực
Ngày Chủ nhật đầy hứng khởi trên bãi biển Đặng Tất (Nha Trang) của nhóm Hạt giống hi vọng được bắt đầu từ sáng sớm, khi trời còn rất mát. Sóng biển nhè nhẹ, thư thái như khúc giao hưởng. Cả nhóm quây tròn trên bãi biển nghe Tiến sĩ Hà Thị Hải Yến - giảng viên Trường Đại học Nha Trang (ngành Kỹ thuật Hóa học) phổ biến nội dung, chương trình hoạt động, rồi cùng trò chuyện. Một bạn lo ngại những bản nhạc không phù hợp với độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và sóng não. Bạn khác lại bàn chuyện bạn bè lạm dụng Tik Tok và mạng xã hội. Cô Yến chia sẻ về sự nguy hiểm của rác thải nhựa đối với môi trường trên cạn, môi trường biển và hành động thiết thực nên làm… Mọi ý kiến cá nhân đều được tôn trọng. Ánh dương lên cũng là lúc nhiều cánh tay cùng vươn ra nhận những chiếc kẹp, chiếc túi chuẩn bị sẵn, rồi cả nhóm cùng đi nhặt rác. Khi nắng hồng đã tỏa ấm, đoạn bãi biển cũng sạch bong. Có em vui vẻ khoe, một người nước ngoài thấy em nhặt rác ở bãi biển đã cảm ơn. Em rất vui vì có người hiểu việc em đang làm.
Cứ vậy, tuần này qua tuần khác, cô Yến và cả nhóm kiên trì cùng làm sạch một đoạn bãi biển mỗi sáng Chủ nhật. Thói quen tích cực giúp nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp trong trẻ, để khi lớn lên, đứa trẻ đó sẽ sống tử tế với gia đình, cộng đồng. Thế hệ trẻ biết quý trọng môi trường sẽ như những hạt giống, nảy mầm và giúp trái đất thêm xanh. Cô Yến và các phụ huynh đồng hành luôn tin vào điều đó.
Lan tỏa năng lượng “xanh”
Những bài học đạo đức được cô Yến thủ thỉ kể trong lúc thực hành làm nến, bánh quy chỉ như tâm tình chuyện cá nhân. Các em còn được giao tiếp tiếng Anh, biết thêm về sinh học, vật lý, hóa học từ chính công việc đang trải nghiệm mà không có cảm giác bị buộc ghi nhớ. Chính điều đó khiến các em thấy thú vị và đồng tình với quan điểm sống nhân ái. Các phụ huynh cũng cùng cô chia sẻ, tham gia nhiều buổi học, tọa đàm với mục tiêu học hỏi nhiều phương pháp giáo dục để kết nối, từ đó dẫn dắt, định hướng con trẻ. Các em được tìm hiểu về những cuốn sách - người bạn đồng hành nuôi dưỡng tâm hồn, trò chuyện với khách mời, tặng nhau những cuốn sổ nhật ký nhỏ, cùng gia đình chuẩn bị những món ăn truyền thống…
Cô Yến kể, khi còn học tiến sĩ ở Áo, cô tham gia chương trình “Đổi đồ cũ lấy quà”. Hàng tháng, cô và các bạn đạp xe đến phiên chợ đồ cũ để mua áo quần, sách vở, đồ dùng trong nhà... Sau này, cô mới biết đó là thực hành lối sống tối giản, khởi xướng ở Thụy Điển. Cô đã tìm được hạnh phúc từ những điều bình dị, đơn giản khi ăn cơm cùng gia đình đầm ấm, nằm dài trên bãi cỏ đọc một cuốn sách hay, về quê vào cuối tuần hít thở không khí trong lành, chỉ mua sắm những thứ cần thiết… Chỉ là kể lại chuyện cũ, nhưng lạ thay, cuối tuần đó, nhóm lại có nhiều món đồ cũ để trao đổi, có thêm những sản phẩm tự tay làm để mang tặng các bạn miền núi!
Nhóm Hạt giống hi vọng được thành lập năm 2019, đến nay có khoảng 50 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Nhiều phụ huynh chia sẻ, từ ngày tham gia nhóm, con họ bỏ hẳn điện thoại, tivi, hiếu kính với người lớn, yêu thương cha mẹ hơn và biết thể hiện tình yêu bằng việc làm hàng ngày. Chị Ngô Thị Xinh, phụ huynh em Nguyễn Ngọc Tú (lớp 7) và Nguyễn Ngọc Tuấn (lớp 2) thấy các con điềm tĩnh, chững chạc, hiểu biết hơn. Có em hồi mới vào nhóm còn nhút nhát, nói còn đỏ bừng mặt, giờ có thể phát biểu rành rọt trước đám đông. Các em vui chơi bình đẳng, không so sánh nên ngày càng tự tin, hỗ trợ, chia sẻ, giúp nhau tiến bộ. Các em cũng hiểu cần nỗ lực học tập bởi chỉ có tri thức mới giúp mình tự tin vào đời.
*“Giáo dục trẻ phải bắt đầu từ gốc rễ, phải dạy trẻ về đạo đức, lối sống, kỹ năng, giúp trẻ biết cách tự học, tự tìm tòi”, cô Yến chia sẻ. Cô tâm nguyện sẽ giữ mô hình giáo dục này lâu dài để góp sức nhỏ bé cho cộng đồng, bởi chỉ cần mỗi người hành động một chút cũng đủ lan tỏa năng lượng “xanh” tích cực. |
TIỂU MAI - HOÀNG NGÂN