Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc giải quyết thủ tục xin cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài. Nguyên nhân là do thời gian giải quyết thủ tục và xin ý kiến thẩm định nhu cầu sử dụng lao động của một số cơ quan, đơn vị chậm trễ, kéo dài.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc giải quyết thủ tục xin cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài. Nguyên nhân là do thời gian giải quyết thủ tục và xin ý kiến thẩm định nhu cầu sử dụng lao động của một số cơ quan, đơn vị chậm trễ, kéo dài.
Doanh nghiệp gặp khó
Lãnh đạo Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) cho biết, theo quy định của pháp luật, lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc từ 30 ngày trở lên bắt buộc phải có giấy phép. Đồng thời, ngày cấp giấy phép phải có trước ngày thứ 30, tính từ ngày lao động người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Thế nhưng, do đặc thù công việc, phần lớn lao động người nước ngoài làm việc tại HVS đều được điều động từ công ty mẹ tại Hàn Quốc sang nên các quyết định bổ nhiệm không thể có trước. Sau khi có quyết định chính thức thì công ty mẹ mới chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến người được điều động. Để hoàn tất hồ sơ tại Hàn Quốc và gửi về Việt Nam mất 24 ngày, sau đó tiến hành dịch, đăng ký nhân lực đúng với vị trí, chức danh công việc thì mất gần 1 tháng. Bên cạnh đó, trước đây, việc làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động chỉ mất khoảng 12 ngày, nhưng hiện nay lại mất hơn 30 ngày, kể từ ngày đơn vị nộp hồ sơ. Với việc vừa xin chấp thuận vị trí công việc, vừa xin cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài trước 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam là rất khó thực hiện. Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Do vậy, công ty rất mong các cấp, ngành, UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ HVS có giải pháp cải thiện về thủ tục, rút ngắn thời gian khi xin chấp thuận vị trí nhân lực.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), thời gian qua, đơn vị liên tục nhận được phản ánh của các DN về những khó khăn, chậm trễ trong giải quyết thủ tục báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài, trong đó có nhiều trường hợp thời gian giải quyết kéo dài từ 31 đến 53 ngày. Nguyên nhân là do thời gian tham gia ý kiến thẩm định của một số cơ quan quá chậm trễ so với yêu cầu (quy định chỉ 3,5 ngày làm việc). Từ đó, dẫn đến thời gian giải quyết thủ tục chậm so với quy định, gây khó khăn, bức xúc cho DN. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp lấy ý kiến các cơ quan liên quan nhưng đến hạn vẫn không có thông tin phản hồi. Trong khi đó, để đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục trong 10 ngày làm việc, sở và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong bắt buộc phải tổng hợp trình UBND tỉnh. Nhưng vì chưa có đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan nên UBND tỉnh trả hồ sơ và yêu cầu bổ sung đầy đủ các ý kiến thẩm định. Sau đó, sở lại phải tiếp tục gửi văn bản lấy ý kiến bổ sung. Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) quá chậm trễ từ các cơ quan phối hợp gây tồn đọng hồ sơ, khiến DN bị động, không thực hiện được hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lao động, thủ tục xuất nhập cảnh… Việc này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, làm ảnh hưởng đến Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và thu hút đầu tư của tỉnh...
Đề xuất hướng tháo gỡ
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, sở đã cùng với Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và các cơ quan có liên quan họp bàn đồng ý chủ trương tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi quy trình nội bộ giải quyết TTHC, bỏ bước lấy ý kiến thẩm định vị trí, nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài. Bởi vì, vị trí sử dụng lao động người nước ngoài chưa phải là con người cụ thể nên chưa cần thiết trong công tác phối hợp thẩm định mà tập trung vào công tác hậu kiểm, tăng cường phối hợp kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài sau khi được cấp giấy phép. Qua kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì các cơ quan phối hợp thông báo đến cơ quan cấp giấy phép để xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép.
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, trong trường hợp tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan về thẩm định nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài như hiện nay, cần xem việc hết thời gian lấy ý kiến các cơ quan nếu không có ý kiến thì xem như thống nhất. Nội dung thẩm định đối với vị trí công việc chỉ cần thẩm định DN đó đang hoạt động ở địa chỉ ghi trong báo cáo giải trình và có vi phạm pháp luật hay không. Hoặc UBND tỉnh giao cho cơ quan chủ trì tham mưu là Sở LĐ-TB-XH, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong thực hiện TTHC, khi xét thấy cần thiết mới lấy ý kiến của các cơ quan liên quan hoặc mời các cơ quan cùng thẩm định 1 lần đối với DN, không để mỗi cơ quan, địa phương tự thẩm định gây mất thời gian, khó khăn, phiền hà cho DN…
Tại cuộc họp mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục và thẩm định báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài cho DN. Sở LĐ-TB-XH cùng với các ngành, địa phương rà soát và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy chế phối hợp trong giải quyết TTHC về nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa đúng trình tự, quy định của pháp luật; qua đó góp phần nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh… |
PHÚ AN