11:09, 06/09/2022

Sẵn sàng các phương án ứng phó mùa mưa bão

Để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trước khi bước vào mùa mưa bão. Đại tá Trần Quốc Toản - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết:

Để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Khánh Hòa đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) trước khi bước vào mùa mưa bão. Đại tá Trần Quốc Toản - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết:

 

Đại tá Trần Quốc Toản - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa.
Đại tá Trần Quốc Toản - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa.


- Hiện nay, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN trong mùa mưa bão năm nay với tinh thần “Tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng cứu nhanh và hiệu quả”.

 
- Xin Đại tá cho biết, công tác chuẩn bị của lực lượng BĐBP tỉnh đối với nhiệm vụ PCTT-TKCN năm nay?


- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã sớm chỉ đạo các phòng xây dựng nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo các đồn, hải đội xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm bảo đảm cơ động nhanh, sẵn sàng tác chiến thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Trong tháng 7 và 8, chúng tôi đã tổ chức các đợt tập huấn, huấn luyện nâng cao về công tác phòng, chống lụt bão, TKCN nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy đối với nhiệm vụ này. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch cho từng cấp độ ảnh hưởng, từng vùng, từng thời điểm cụ thể; tổ chức huấn luyện các nội dung: Bơi, kỹ năng, phương pháp cứu người bị nạn trên biển, cách sử dụng áo phao, phao cứu sinh; chuẩn bị trang thiết bị chữa cháy và xử lý một số tình huống cháy... Các đồn đã thành lập các tổ công tác để sẵn sàng đến địa bàn trọng điểm, xung yếu, vùng trũng thấp, ven biển… phối hợp với địa phương hướng dẫn, giúp đỡ người dân, rà soát tàu thuyền, di chuyển người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lớn.


Ngoài ra, chúng tôi đã chủ động tạo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm; xây dựng phương án di chuyển người, vũ khí trang bị, vật chất ra khỏi khu vực có khả năng bị ảnh hưởng. Các đơn vị cũng đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT-TKCN.


- Để góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển trong mùa mưa bão, thực hiện tốt nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển, BĐBP tỉnh sẽ tập trung những giải pháp nào, thưa Đại tá?


- Chúng tôi chỉ đạo các đồn, hải đội luôn duy trì nghiêm quân số, thường xuyên rà soát nắm bắt số lượng tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển để sẵn sàng kêu gọi, hướng dẫn cơ động tránh trú; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi khi có áp thấp và bão diễn ra trên biển. Đài canh tìm kiếm cứu nạn của BĐBP tỉnh thường xuyên duy trì giữ thông tin liên lạc chặt chẽ với các tổ tàu thuyền tự quản, thuyền trưởng và các chủ phương tiện để nắm tình hình trên biển. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển vào Biển Đông, các đài canh liên tục phát các bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, hướng dẫn tàu thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Chúng tôi cũng đã tổ chức kiện toàn lực lượng, phương tiện của đơn vị Hải đội 2. Trong đó, từng biên đội tàu, từng cán bộ, chiến sĩ duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện giỏi đi đôi với giữ tốt, dùng bền các loại trang bị kỹ thuật, bảo đảm cơ động nhanh, sẵn sàng tác chiến thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong mọi điều kiện thời tiết.


Cùng với đó, mấy tháng qua, các đồn đã tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền về đảm bảo an toàn, TKCN cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tại các địa phương ven biển. Trong đó, chú trọng các nội dung thông tin tổng quan về hệ thống TKCN trên biển tại Việt Nam; công tác phòng ngừa tai nạn đâm va trên biển; sơ cấp cứu y tế ban đầu; công tác phòng ngừa cháy nổ trên tàu; trang thiết bị thông tin liên lạc và những quy định chung… nhằm nâng cao nhận thức về an toàn hàng hải trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển cho các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên. Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tai nạn xảy ra cho ngư dân.


- Xin cảm ơn Đại tá!


THẾ ANH (Thực hiện)